Theo tin tức từ Bangkok Post, Amata đã hoàn thiện thủ tục đăng ký đầu tư trong tháng này và hy vọng sẽ được chấp thuận trong quý III năm nay.
Bà Somhatai Panichewa cho biết 70% nguồn vốn đầu tư thuộc về Amata, trong khi khoản đầu tư của Tập đoàn Tuần Châu chiếm 30%.
Theo kế hoạch, dự án khu Amata City Ha Long rộng 5.789ha bao gồm 3 khu vực: một phức hợp công nghiệp 4.000ha với khoảng 1.000 công ty, một khu bất động sản nhà ở và cơ sở nghiên cứu rộng 1.500ha, và một khu đa chức năng rộng 640ha gồm bệnh viện, trường học, khu vực khai thác dịch vụ hậu cần, trung tâm triển lãm, trung tâm mua sắm, khu ẩm thực và các khu vực vui chơi giải trí. "Đây sẽ là một thành phố, không chỉ là một khu phức hợp công nghiệp", bà Somhatai Panichewa nhấn mạnh.
Khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai đang rất thành công trong thu hút đầu tư
Dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong khoảng từ 10-15 năm chia làm 10 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD.
Dự án này sẽ đóng góp giá trị doanh thu lên tới 5 tỷ USD mỗi năm và tạo ra khoảng 300.000 việc làm cho người dân địa phương”, bà Panichewa cho biết.
Bên cạnh đó, khu phức hợp này sẽ phục vụ cho các ngành công nghiệp du lịch, vì nó nằm bên cạnh Vịnh Hạ Long, một di sản thế giới được Unesco công nhận và là điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới nên Amata Việt Nam mong muốn sẽ thu hút khoảng 1 triệu du khách đến tham quan.
Amata Corporation Plc là tập đoàn phát triển khu công nghiệp lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan. Công ty có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, Giám đốc điều hành là tỷ phú Vikrom Kromadit, một trong những người giàu nhất Thái Lan với tài sản ròng 145 triệu USD và là Chủ tịch của tập đoàn Amata.
Ở Việt Nam, Amata là một trong những nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp thành công. Gắn liền với khu đô thị công nghiệp Amata ở Đông Nai đang thu hút nhiều nhà sản xuất quốc tế.
Tuyết An (Th)