[Dòng chảy doanh nghiệp] Scandal gian lận liệu có khiến kết quả kinh doanh của Xăng dầu HFC sụt giảm?

(Kinhdoanhnet) – Scandal gian lận ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu xăng dầu HFC, nhưng liệu những ảnh hưởng này có khiến lợi nhuận của CTCP Xăng dầu chất đốt Hà Nội sụt giảm?

Nỗi đau từ scandal gian lận

Đến nay, đã hơn nửa năm kể từ ngày cơ quan chức năng phát hiện 2 cây xăng đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng) và Yên Viên (Gia Lâm) thuộc CTCP Xăng dầu chất đốt Hà Nội (Xăng dầu HFC) gắn chíp điện tử để gian lận xăng dầu. Mặc dù cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã bước đầu kết luận rằng sự việc xảy ra tại 2 cửa hàng này là sai phạm cá nhân, không phải sai phạm doanh nghiệp nhưng nỗi đau mà scandal này để lại cho Xăng dầu HFC hẳn đến giờ vẫn còn dai dẳng.

Những ai hàng ngày đi qua cửa hàng xăng dầu HFC Yên Viên thì thật không khó để nhận thấy lưu lượng khách hàng đổ xăng tại đây ở thời điểm hiện tại sụt giảm như thế nào so với thời điểm trước khi scandal gian lận diễn ra, dù đã hơn 2 tháng kể từ khi cửa hàng này mở bán trở lại.

 

[Dòng chảy doanh nghiệp] Scandal gian lận liệu có khiến kết quả kinh doanh của Xăng dầu HFC sụt giảm? - Ảnh 1

Cửa hàng xăng dầu HFC Yên Viên từng gắn chip điện tử để gian lận xăng dầu. Ảnh: T.L

Với hiện trạng dày đặc các cây xăng tại đường quốc lộ khu vực Yên Viên nói riêng và TP.Hà Nội nói chung thì có quá nhiều lựa chọn cho việc đổ xăng của khách hàng nên chẳng mấy ai còn mặn mà với một cửa hàng đã đánh mất uy tín. Đó là chưa kể đến hình ảnh thương hiệu cây xăng HFC đã trở lên tiêu cực hơn trong mắt nhiều người tiêu dùng, làm ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình kinh doanh của các cây xăng HFC hoạt động chân chính khác.

Cây xăng HFC Trần Khát Chân và Yên Viên là 2 trong số 16 cây xăng mà Xăng dầu HFC đang sở hữu, trong đó cây xăng HFC Yên Viên chỉ vừa mới mở bán tháng 5 năm ngoái. Chi phí mở mỗi cây xăng không phải là nhỏ. Trong khi đó nếu kinh doanh èo uột, doanh thu mỗi cửa hàng xăng dầu thậm chí còn chẳng thể trang trải nổi các chi phí cố định thường rất cao như: chi phí thuê đất, chi phí bảo trì bảo dưỡng, chi phí nhân công…

Nhưng còn một loại chi phí nữa vẫn luôn là gánh nặng đối với Xăng dầu HFC, đó là chi phí lãi vay.

Sống dựa vào vốn vay ngân hàng

Tính đến hết ngày 31/12/2015, vốn chủ sở hữu của CTCP Xăng dầu chất đốt Hà Nội (HFC) ở mức 41,58 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị các khoản vay của công ty tại các ngân hàng thương mại cổ phần là 118,79 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị các khoản vay của Xăng dầu HFC đã gấp tới 2,85 lần vốn chủ sở hữu, đây là một tỷ lệ rất cao.

 

[Dòng chảy doanh nghiệp] Scandal gian lận liệu có khiến kết quả kinh doanh của Xăng dầu HFC sụt giảm? - Ảnh 2

Tổng nợ vay ngân hàng của Xăng dầu HFC hiện gấp 2,85 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: T.L

Có thể kể tên một số ngân hàng đang là chủ nợ của Xăng dầu HFC như Ngân hàng BIDV – CN Hoàn Kiếm là 3.600.004.000 đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế - CN Lý Thường Kiệt là 540.000.000 đồng, Ngân hàng VietinBank – CN Hoàn Kiếm là 75.500.000.000 đồng, Ngân hàng VietinBank – CN Tây Hồ là 4.900.000.000 đồng, Ngân hàng TMCP Quân Đội – CN Hoàn Kiếm là 34.253.600.000 đồng. Các khoản vay này chủ yếu là bổ sung vốn lưu động và tài trợ cho các dự án của Xăng dầuHFC, đặc biệt là các dự án mở rộng cây xăng.

Vay vốn nhiều dĩ nhiên khiến chi phí lãi vay của Xăng dầu HFC ở mức cao. Theo Báo cáo tài chính kiểm toán 2015, chi phí lãi vay mà Xăng dầu HFC đang phải chịu là 4,3 tỷ đồng cho cả năm 2015.

Tình hình kinh doanh trong năm 2016 sẽ ra sao?

Áp lực phải trả một lượng lớn nợ gốc và lãi vay một cách thường xuyên buộc Xăng dầu HFC phải duy trì được kết quả kinh doanh khả quan. Đó là chưa kể đến áp lực từ các chi phí cố định thường chiếm tỷ lệ cao khi kinh doanh cửa hàng xăng dầu.

Ở thời điểm kết thúc năm 2015, thành tích kinh doanh của Xăng dầu HFC là rất tốt khi công ty này tạo ra 1.320 tỷ đồng doanh thu và 10,68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu HFC ở mức khá cao, đạt 5.089 đồng trong năm 2015.

Hiện Xăng dầu HFC cũng chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2016 dù đã hết quý II/2016 nên chưa thể đánh giá scandal gian lận xăng dầu ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh của công ty này. Tuy nhiên, một khi kết quả kinh doanh của Xăng dầu HFC thiếu khả quan thì lợi nhuận của công ty này nhiều khả năng sẽ sụt giảm mạnh do chịu sự bào mòn bởi chi phí lãi vay cao và các chi phí cố định khác liên quan đến việc duy trì các cửa hàng xăng dầu.

Kình Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục