Sáng 13/07/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “ Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”. Ảnh: TTXVN
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang bùng nổ và đã tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù mang lại cơ hội cho nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần có những đổi mới mạnh mẽ.
Đó là phải xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ quản trị công quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, xã hội số; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…
* Cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp
Ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City, Tập đoàn Viettel chia sẻ: Kinh tế số, Chính phủ số, đô thị thông minh là những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế số hay còn gọi là nền kinh tế Internet, nền kinh tế mạng là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số.
Về tiềm năng phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ông Lê Quốc Hữu cho biết, ở Việt Nam doanh thu từ thương mại điện tử năm 2016 đạt 900 triệu USD, tăng 50% so với 2015, dự báo đến 2020 sẽ chạm ngưỡng 5 tỷ USD, mức tăng trưởng thương mại điện tử là 35%/năm, nhanh nhất thế giới (cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản).
Nêu ra những cơ hội phát triển kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Quốc Hữu cho rằng, ứng dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động nhờ tự động hóa sản xuất, phân tích Big Data và ứng dụng Business Intelligence, kết nối chuỗi cung ứng, khai thác nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa.
Phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới mang tính đột phá, tạo ra những cách hoàn toàn mới để phục vụ nhu cầu người dùng, ảnh hưởng và những thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vận hành cung-cầu của thế giới; mở rộng thị trường không giới hạn thông qua không gian mạng như bán hàng trực tuyến, bán hàng xuyên quốc gia; bứt phá lấy tri thức làm đầu khi khởi nghiệp sáng tạo. Lợi thế của những nước đi sau như Việt Nam so với các nước phát triển, không bị hạn chế bởi quy mô cồng kềnh, quán tính lớn, nên bứt phá nhanh chóng.
Ngày 29/8/2018, tại Vĩnh Long, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ Thông tin-Truyền thông Việt Nam lần thứ XXII với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN
Chỉ ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Lê Quốc Hữu cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp sáng tạo áp dụng nền tảng công nghệ số có thể đánh bại những doanh nghiệp danh tiếng.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh được thị trường, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam. Nguy cơ cho hàng Việt Nam khi hàng hóa ngoại nhập theo đường thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, thách thức về nguồn nhân lực, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là yếu tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Việt Nam cần có Luật văn bản điện tử, Luật giao dịch điện tử và Luật chữ ký số để hỗ trợ giao dịch điện tử.
Khung pháp lý của Việt Nam về các luồng dữ liệu xuyên biên giới là “chưa mở” so với các quốc gia trong khu vực. Về an ninh bảo mật, chỉ số về an ninh mạng quốc gia, Việt Nam đứng ở vị trí 101/193 nước. Vì thế, Việt Nam cần có những biện pháp để có thể bảo vệ được sự an toàn và riêng tư cũng như tính bảo mật trong kinh doanh và dời sống xã hội.
Ngoài ra, thách thức về khả năng thích ứng với nền kinh tế số, quy mô đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, năng lực đổi mới sáng tạo ở mức khiêm tốn.
Hơn 31% GDP là kinh tế hộ gia đình siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ, có khoảng cách xa với vận hành doanh nghiệp là rất khó khăn.
Hơn nữa, thách thức về triển khai thương mại điện tử, chi phí dịch vụ kho vận kém so với nhiều nước trong khu vực; cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài lớn như thói quen dùng tiền mặt, 90% thanh toán ở Việt Nam vẫn là trả tiền mặt khi nhận hàng… Điều này cho thấy rào cản để vận dụng trong kinh doanh kinh tế số hóa, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, không phải là vấn đề kỹ thuật mà là tạo niềm tin trong kinh doanh...
Ông Lê Quốc Hữu cho rằng để phát triển kinh tế số, doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và về kinh tế số.
Doanh nghiệp cần cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và cách thức kinh doanh là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần xây dựng Chiến lược chuyển đổi trong 3-5 năm để chuyển dịch dần sang doanh nghiệp 4.0, xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa kỹ thuật số, tạo không gian sáng tạo...
* Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn. Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.
Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền, an ninh cho người dân và đất nước.
Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, tại "Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018" với chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể.
Bên cạnh sự nỗ lực, phát huy sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.
Sáng 13/7/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”. Ảnh: Dương Giang – TTXVN
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các bộ, ngành cần có những hành động thiết thực, cụ thể bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Chỉ ra những giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm; triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo...; lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới; tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động nghiên cứu, cập nhật các xu hướng phát triển và kinh nghiệm của thế giới, trong đó quan tâm việc xử lý các tác động không mong muốn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, thất nghiệp và biến đổi xã hội; tăng cường kết nối thông tin khoa học công nghệ, cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước; thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác sâu rộng với các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia trong việc trao đổi, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm thực tiễn về cách mạng công nghiệp lần thứ tư để lựa chọn và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam./.
Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN