Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá điện tử và bổ sung đồ uống có đường. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp đang có ý kiến tạm hoãn sửa đổi Luật thuế này bởi tình hình kinh tế đăng gặp nhiều khó khăn.
Theo Báo Lao động, tại hội thảo lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng 15/3 tổ chức ở Đà Nẵng, đại diện Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam đã kiến nghị xin hoãn thời gian sửa luật ít nhất trong thời gian 2 năm tới.
Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát, Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp rất chia sẻ mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi luật sửa đổi chưa đảm bảo sự hài hòa giữa các thành phần kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đang chịu mức tăng nguyên vật liệu đã vượt quá khả năng gánh chịu.
“Dù không muốn nhắc lại nhưng đại dịch COVID-19 đang khiến mọi doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có ngành nước giải khát, bia, rượu. Không chỉ khó khăn trong thời điểm dịch bệnh khiến các hoạt động vui chơi, giải trí bị đóng cửa mà đến nay doanh nghiệp vẫn đang gặp có nhiều thách thức.
Doanh nghiệp cần môi trường ổn định về thuế phí để quay trở lại mức tăng trưởng trước dịch bệnh, đồng thời thực hiện bền vững hơn trong nộp thuế cho nhà nước”, ông Vương chia sẻ.
Còn theo Vnexpress, các chuyên gia cũng đề nghị hoãn tăng thuế này, ít nhất đến năm 2025. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR), cho rằng ngành sản xuất đồ uống có tăng trưởng sản xuất nhưng cũng biến động rất lớn trong 5 năm qua. Khi có tác động, như dịch COVID-19, tổn thương ngành này lớn hơn nhiều so với các ngành như thực phẩm, thuốc lá.
Theo ông, tính toán chính sách cần nhìn vào thực trạng, thực tế nền kinh tế. "Nếu tăng thuế suất lúc này, tổng thu ngân sách chưa chắc tăng, ngược lại có thể giảm vì mức thuế quá cao. Tổng cầu trên GDP đang giảm mà tăng thuế sẽ khiến tỷ trọng này đi xuống", ông Việt nói.
Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu gợi ý, nhà chức trách nên nghiên cứu thay đổi phương pháp tính thuế từ tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm) sang tuyệt đối theo độ cồn trong đồ uống hoặc tính thuế hỗn hợp (áp dụng song song phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối). Trước mắt nên tính thuế hỗn hợp từ năm 2026 - giai đoạn kinh tế Việt Nam đạt được khát vọng chuyển sang giai đoạn thu nhập trung bình cao.