Doanh nghiệp “chây ì” trả cổ tức sẽ phải chịu lãi phạt?

(Kinhdoanhnet) – Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định kể từ ngày 01/07/2015, cổ tức sẽ phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ thường niên.

Vài năm gần đây, đã xuất hiện khá nhiều tình trạng các doanh nghiệp “chây ì” chi trả cổ tức cho cổ đông, thường xuyên xin “khất nợ” khiến cho các cổ đông không khỏi bức xúc. Một số doanh nghiệp có tiền lệ như CTCP Sông Đà 4 (SD4), CTCP Sông Đà 3 (SD3), CTCP Sông Đà 7 (SD7)…

Tuy nhiên tình trạng này sẽ được cải thiện trong thời gian tới đây khi những quy định mới về việc trả cổ tức được đưa vào Luật Doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực.

Cụ thể theo Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định kể từ ngày 01/07/2015, cổ tức sẽ phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ thường niên. HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

Doanh nghiệp “chây ì” trả cổ tức sẽ phải chịu lãi phạt?
Doanh nghiệp “chây ì” trả cổ tức sẽ phải chịu lãi phạt?

Mặc dù đã có quy định cụ thể, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho rằng cơ quan soạn thảo cần có hướng dẫn cụ thể Ðiều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về trả cổ tức, nếu không quy định này sẽ khó khả thi, không xử lý hiệu quả được tình trạng DN chây ì trả cổ tức khá phổ biến như hiện nay.

Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư này còn đưa ra đề xuất với những doanh nghiệp “chây ì” trong việc chi trả cổ tức nếu như hết thời hạn 6 tháng, nhưng doanh nghiệp  vẫn không trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông theo nghị quyết ĐHCĐ, thì lãi phạt quá hạn tính theo lãi phạt chậm nộp thuế của doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM, người đang trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định này lên tiếng khẳng định rằng tuy không có văn bản hướng dẫn nhưng những quy định về trả cổ tức tại Luật Doanh nghiệp 2014 là đã đảm bảo rõ ràng, khả thi.

Khi đưa ra quy định này, Ban soạn thảo cũng đã tham vấn ý kiến tòa án trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về trả cổ tức như quy định tại Luật Doanh nghiệp. Cơ quan tòa án cho biết trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định trả cổ tức trong Nghị định nêu trên, cổ đông có quyền khởi kiện ra tòa, tòa án sẽ tiếp nhận và xử lý vụ kiện này.

Ngọc Anh (TH theo ĐTCK)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục