Định giá tiền đồng và vấn đề tỷ giá

Chính sách duy trì tỷ giá cơ bản ổn định trong thời gian dài khiến đồng nội tệ bị định giá cao, ít hỗ trợ sản xuất trong nước, không thúc đẩy xuất khẩu, mà lại khuyến khích nhập khẩu.

Cũng theo PGS. TS.Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, theo tính toán của các chuyên gia, đồng Việt Nam đang bị định giá cao hơn từ 10% đến 25%.

Định giá tiền đồng và vấn đề tỷ giá - Ảnh 1

Ngoài ra có thể thấy chính sự bất hợp lý trong phân bổ thu nhập giữa các nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất cũng như giá cả độc quyền đã làm cho tiền đồng bị định giá cao. Cụ thể trong khi thu nhập đầu người của người dân bắt đầu tăng nhẹ trong thời gian qua thì thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với nhóm 20% người nghèo nhất đã tăng từ 7 lần lên 8,5 lần.

Phần lớn thu nhập của nhóm 20% người giàu nhất Việt Nam chuyển sang đầu tư và chi tiêu trong lĩnh vực tài chính và bất động sản là nguyên nhân làm cho tiền đồng bị định giá thực cao. Do bất động sản là một loại hàng hóa phi mậu dịch với ý nghĩa chúng không thể trao đổi xuyên biên giới, khi có tình trạng bong bóng bất động sản nên người Việt buộc phải mua nhà với giá thuộc loại đắt nhất thế giới mà không thể sang nước khác “nhập khẩu” nhà để tạo sức ép giảm giá nhà trong nước. Trong trường hợp này nếu có phá giá sẽ không giải quyết được vấn đề tiền đồng bị định giá cao do chênh lệch giá trong nước luôn cao hơn nước ngoài.

Thêm vào đó, nhóm hàng hóa độc quyền của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như điện, nước, xăng dầu… thuộc vào loại hàng hóa gần như phi mậu dịch. Người dân bắt buộc phải tiêu thụ nhóm hàng hóa độc quyền này mà không còn lựa chọn nào khác. Nếu như giá cả nhóm hàng hóa này không bị quy định bởi các DNNN độc quyền thì các doanh nghiệp thuộc khu vực tư có thể nhập về với giá rẻ để làm giảm giá trong nước xuống.

Như vậy do giá cả nhóm hàng hóa phi mậu dịch (như bất động sản) và hàng hóa độc quyền liên tục tăng lên đã làm cho tiền đồng bị định giá cao quá mức, vì vậy, giải pháp phá giá sẽ không thể cải thiện đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa nếu như giá cả của những nhóm hàng hóa này tăng cùng chiều với thu nhập bình quân đầu người

Điều chỉnh tỷ giá thế nào là hợp lý

Nếu lạm phát tăng bắt nguồn từ tình trạng bong bóng tài sản và việc tăng giá liên tục của nhóm hàng hóa độc quyền như xăng, dầu, điện, nước thì giải pháp phá giá không khả thi. Đối với giá cả của hàng hóa phi mậu dịch như bất động sản thì Chính phủ không nên can thiệp mang tính ứng cứu mà hãy để cho giá cả các loại hàng hóa này giảm về đúng với giá trị thực của chúng. Một khi giá bất động sản giảm mạnh sẽ kéo theo mặt bằng giá chung của nền kinh tế giảm đi đáng kể và do đó làm giảm tỷ giá danh nghĩa cũng như tỷ giá thực.

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng phá giá để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của họ thì Ngân hàng Nhà nước phải nghĩ đến việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn nữa.

Trên cơ sở phân tích lợi, hại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN không nên điều chỉnh tỷ giá ngay lập tức 3-4%, mà giữ nguyên cách điều hành hiện tại, tức để tỷ giá tự  điều chỉnh một cách từ từ theo tín hiệu thị trường.

 Anh Đức (tổng hợp)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục