Dữ liệu thống kê của Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tính đến ngày 25/10, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 10 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, giảm 57% so với tháng trước, toàn bộ đều là phát hành riêng lẻ. Đa phần các đợt phát hành trong tháng đến từ nhóm tài chính - ngân hàng, chiếm hơn 53% tỷ trọng, lợi suất vào khoảng 5,8-8,6%.
Theo MBS, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tích cực dần từ tháng 6. Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022. Lãi suất TPDN bình quân trong 10 tháng đầu năm đạt 8,7%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với gần 94.000 tỷ, (giảm 30% so với cùng kỳ) chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị.
MBS cho rằng việc các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu trong quý 3 đầu năm nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống 30%, áp dụng từ ngày 1/10/2023 theo Thông tư 08/2020.
Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng là 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: ACB (16.400 tỷ đồng), Techcombank (14.000 tỷ đồng), OCB (11.200 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng vừa phát hành trái phiếu vừa mua lại trái phiếu trước hạn.
Hoạt động phát hành trái phiếu mới và mua lại trái phiếu trước hạn của các ngân hàng bất ngờ nhộn nhịp trở lại vài tháng gần đây, khi môi trường lãi suất thuận lợi hơn và được gỡ vướng quy định về công bố thông tin tình hình sử dụng vốn trái phiếu.
Có nhiều "lý do" để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát hành trên thị trường TPDN trong bối cảnh hiện nay. Đó là hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào hoạt động bước đầu với số lượng mã trái phiếu khiêm tốn nhưng đã được nhà đầu tư đón nhận.
Trong khi đó, các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc giải ngân vốn đầu ra thấp, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn ì ạch, mua lại trái phiếu dường như là một trong những cách giải quyết vấn đề này. Việc này phần nào làm giảm mức độ thừa vốn.
Bên cạnh đó, việc mua lại trái phiếu là để cơ cấu lãi và thời hạn vay. Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2 - 3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5 - 10 năm.
Ngoài ra, việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ các ngân hàng. Các ngân hàng có thể duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao, đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng các ngân hàng từng phát hành trái phiếu với lãi suất cao trong quá khứ nên việc mua lại trước hạn những tháng gần đây nằm tái cơ cấu nợ.
Còn TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu và mua lại trái phiếu trước hạn là những chuyển biến tích cực trên thị trường TPDN.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng cũng được thể hiện trong tái cơ cấu nợ, với hoạt động mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn, tăng mạnh.
VietnamFinance
In bài viết