Tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của ngành Công Thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết: Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% và khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 6/2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến: Điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
Vụ trưởng Dương Duy Hưng báo cáo tóm tắt tình hình ngành công thương trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Bộ Công Thương.
Tiếp đó là nhóm nông sản, thủy sản, đóng góp 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt: Rau quả (2,01 tỷ USD tăng 20,9%), thuỷ sản (3,96 tỷ USD tăng 11%), hạt điều (1,41 tỷ USD tăng 17,6%), hạt gạo (1, 84 tỷ USD tăng 44%). Sau 6 tháng, nhóm hàng nông sản, thủy sản đã đem về khoảng 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.
Châu Á tiếp tục là thị trường nhập khẩu khẩu lớn nhất, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch trong 6 tháng đầu năm. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 15,6%), Hàn Quốc (chiếm 20,2%, giảm 0,8%), ASEAN (chiếm 13,7%, tăng 11,8%), Nhật Bản (chiếm 8%, tăng 12,2%)…
Tổng kết lại, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 14,6 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 15,7 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 12,9 tỷ USD.
Xuất khẩu điện thoại, linh kiện các loại đạt kim ngạch hơn 22 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Ảnh minh họa.
Đại diện Bộ Công Thương nhận định Xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng: Sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo tăng tích cực; các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực tạo sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài; đầu tư trong nước hứa hẹn sẽ tiếp tục khởi sắc.
Mặc dù vậy, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ…).
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước có thể đạt 475 - 477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng sẽ đạt con số khoảng 240 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017.
Trọng Sang/Thoidai