Đề xuất lập trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng

Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế đặc thù.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 119 (năm 2020) về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là việc thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại.

Điều này cho phép Đà Nẵng có thể đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư. Đồng thời quá trình vừa triển khai vừa nghiên cứu có thể phần nào hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Đề xuất lập trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.
Đề xuất lập trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình trung tâm tài chính hải ngoại nhằm thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh, có tính gắn kết yếu với các thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn.

Việc thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP Đà Nẵng theo mô hình này có thể áp dụng ngay để tận dụng các lợi thế hiện tại của Việt Nam, vừa triển khai, vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Qua đó, dần hướng đến việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế hoàn chỉnh, tạo cơ hội kiến tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, nếu được xây dựng thành công trong giai đoạn tới. Tạo bước chuyển mới về chất, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam và thành phố Đà Nẵng tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế trên quốc tế, đảm bảo có sự đột phá để phát triển thành phố theo mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu với một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho TP Đà Nẵng.

Khu thương mại tự doTP Đà Nẵng là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư và được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho TP Đà Nẵng kể từ thời điểm Khu thương mại tự doTP Đà Nẵng được thành lập.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định chủ trương đầu tư và thành lập Khu thương mại tự do. UBND TP Đà Nẵng có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đối với khu vực Khu thương mại tự do theo quy hoạch thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư để xây dựng Khu thương mại tự do. Nhà đầu tư được lựa chọn đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu thương mại tự do được giao đất, cho thuê đất và cho thuê lại đất như đối với khu kinh tế hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách của Khu thương mại tự do thành phố Đà Nẵng theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, bảo đảm cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu thương mại tự do TP Đà Nẵng hình thành sẽ tạo cơ hội kiến tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng động lực miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng Liên Chiểu góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, đa dạng hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của TP Đà Nẵng.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục