Trong văn bản gửi Bộ Tài chính về rà soát điều chỉnh mức phí BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, quan hệ giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư dự án BOT là quan hệ hợp đồng, phải có sự đồng thuận khi thay đổi lại các điều khoản liên quan đến phương án tài chính.
Đề xuất giảm 10-20% phí BOT nhiều tuyến đường. Ảnh minh họa
Bộ GTVT đề nghị không điều chỉnh mức phí với các trạm thu phí thu trước năm 2014 do mức thu thấp (10.000 - 20.000 đồng/lượt), ít gây bức xúc trong dư luận. Với các trạm thu sau năm 2014, xem xét giảm phí với các loại xe vận tải có tải trọng lớn, mức thu đang ở mức tối đa trong khung mức phí quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm 10-15% phí với nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet) , nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm thu phí BOT đã áp dụng mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt, do đây là phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải, việc điều chỉnh sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Với nhóm ôtô con, xe khách, xe tải nhẹ mức thu thấp hơn khung quy định nên không được xem xét giảm.
Ngoài ra, 5 trạm đã thu phí mức cao nhất với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng sẽ xem xét giảm 10-20%, đảm bảo tương đồng với mức thu các trạm khác.
Riêng với các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đề nghị không điều chỉnh mức phí do mức phí được tính trên số ki lô mét thực tế, người dân hầu hết có sự lựa chọn không đi cao tốc thì có thể đi quốc lộ. Với các trạm thu trước năm 2014 có lộ trình tăng phí vào năm 2016, Bộ GTVT đề nghị tạm dừng không tăng theo lộ trình.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc giảm phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Thu Trang (TH theo Vnexpress, Thanh niên)