Reuters cho biết, đơn kiện nói trên đã được Gucci, Yves Saint Laurent và một số thương hiệu khác thuộc sở hữu của công ty Kering SA có trụ sở ở Paris, Pháp, nộp lên tòa án liên bang ở Manhattan, New York. Đơn kiện đòi Alibaba phải bồi thường và đề nghị tòa ra phán quyết về việc công ty này vi phạm nhãn hiệu thương mại.
Alibaba bị kiện vì hàng nhái\
Đơn kiện cáo buộc Alibaba “nhắm mắt làm ngơ” cho phép các công ty sản xuất hàng giả, “nhái” ngang nhiên bán hàng thông qua mạng này.
Hàng nhái từ lâu đã là vấn đề khiến Alibaba đau đầu. Nhà đồng sáng lập - Jack Ma thậm chí đã gọi hàng nhái là "tế bào ung thư" của công ty. Và trong khi Alibaba luôn khẳng định họ vẫn chống lại hàng nhái, như gỡ các sản phẩm phi pháp và cấm những người bán vi phạm, hàng giả vẫn là cuộc chiến dài hơi.
Phản ứng trước đơn kiện trên, phát ngôn viên Bob Christie của Alibaba nói: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác với nhiều thương hiệu để giúp họ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, và chúng tôi cũng có một lịch sử lành mạnh trong lĩnh vực này. Không may là Kering đã chọn con đường kiện tụng lãng phí thay vì hợp tác mang tính xây dựng. Chúng tôi tin là đơn kiện này không có căn cứ và chúng tôi sẽ quyết tâm chống lại”.
Đây là lần thứ hai Kering kiện Alibaba. Năm ngoái, đại gia hàng xa xỉ này cũng đã nộp đơn kiện tương tự tại Mỹ, nhưng lại rút sau vài tuần do đã "đàm phán mang tính xây dựng" với Alibaba.
Đơn kiện mới nhất cáo buộc Alibaba và các tổ chức liên quan “cung cấp quảng cáo và các dịch vụ cần thiết khác cho các nhà sản xuất hàng giả, “nhái” bán sản phẩm giả, “nhái” đến người tiêu dùng ở Mỹ”.
Lá đơn lấy bằng chứng là một chiếc túi Gucci “nhái” được một nhà cung cấp Trung Quốc rao bán với giá 2-5 USD/chiếc cho khách mua từ 2.000 chiếc trở lên. Trong khi đó, một chiếc túi Gucci hàng thật được bán lẻ với giá 795 USD.
Đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một báo cáo kết tội Alibaba mắt nhắm mắt mở cho qua các hoạt động phi pháp, đồng thời không thông báo với cảnh sát về các hoạt động trên website như Tmall hay Taobao. Hãng này cũng bị cho là "quá lỏng lẻo" trong hoạt động kinh doanh, khiến các cửa hàng dễ dàng bán hàng giả, từ túi xách đến smartphone, theo Cơ quan Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC).
Trâm Anh (TH)