Mặc dù các Ngân hàng Thương mại (NHTM) rất muốn cho
vay để DN sản xuất kinh doanh và NH thu lợi nhuận tuy nhiên việc cho vay vẫn
chưa thông suốt một mặt do lượng khách hàng đủ tiêu chuẩn vay vẫn còn ít, mặt
khác do nền kinh tế vẫn đang trì trệ, cơ hội phục hồi của các DN còn rất mơ hồ
trong khi các NH đang gánh nỗi lo về nợ xấu chồng chất.
Ảnh minh họa
Báo cáo mới nhất về hoạt động ngân
hàng 4 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho thấy,
dư nợ tín dụng 4 tháng đạt 965.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay 5 nhóm
ngành, lĩnh vực ưu tiên chỉ đạt hơn 137.000 tỷ đồng.
Trong
khi đó, theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP.HCM cho
biết, dư nợ tín dụng 6 tháng cuối năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đối với
doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tăng trưởng, thậm chí bằng 0.
Có
khá nhiều nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra, trong đó, lý do cơ bản nhất
vẫn là nỗi lo các doanh nghiệp vay được nhưng không trả được, nợ xấu chồng nợ
xấu.
Thực
tế thì các doanh nghiệp lớn nhu cầu vay ít, nhu cầu phần lớn rơi vào các doanh
nghiệp vừa và nhỏ. Các DNVVN thường vay vốn dựa vào tài sản thế chấp là chính,
trong đó chủ yếu là bất động sản. Trong khi đó thị trường BĐS đóng băng, giá
liên tục rớt trong suốt hơn 2 năm qua, do vậy các NH cũng không dám mạnh tay
cho các DNVVN này vay vốn.
Thêm
vào đó, để vay vốn mới, các doanh nghiệp phải cân đối lại các khoản vay cũ
trong khi đó thời gian qua tổng cầu giảm, sức tiêu thụ giảm, tồn kho tăng khiến
doanh nghiệp không xoay vòng được vốn và phải vay vốn lưu động dẫn đến mất cân
đối nguồn vốn và hệ quả là các NH cũng không thể cho vay trung và dài hạn vì độ
rủi ro cao.
Một
nguyên nhân thường gặp nữa là vấn đề công nợ của doanh nghiệp. Nhiều DN còn nợ quá hạn chưa thanh toán được trong khi không đưa ra
được kế hoạch kinh doanh khả thi, dòng tín dụng không đảm bảo sinh lợi nên các
NH không thể cho vay tiếp.
Nhiều
ý kiến cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để kích cầu tín dụng của
khối doanh nghiệp. Tuy nhiên ở thời điểm tình hình kinh tế giảm phát đáng lo
hơn lạm phát, do đó mức lãi suất hiện nay đã phù hợp, nếu giảm thêm cũng không
giải quyết được vấn đề gì và như phân tích ở trên, vấn đề cốt lõi ở đây không
còn là lãi suất mà là thị trường, DN không có thị trường đầu ra nên nhu cầu tín
dụng không lớn.
Ngoài
ra có thể phân loại DN thành 3 nhóm, nhóm 1 là những DN lớn, đang hoạt động
SXKD tốt; nhóm 2 là những DN bị mất thị trường trong suốt giai đoạn khủng hoảng
vừa qua nhưng còn khả năng và đang trong giai đoạn phục hồi; nhóm 3 là những DN
không còn khả năng phát triển trong bối cảnh mới hoặc đã trên bờ vực phá sản.
Đối với các DN thuộc nhóm 1 thì họ không cần vay, nhóm 3 thì không thể cho vay,
còn đối với các DN nhóm 2, để tạo lại thị trường cho DN, khôi phục lại tập
khách hàng, các NHTM cần có biện pháp để bổ sung vốn hỗ trợ vực dậy các DN này.
Cần có cơ chế hỗ trợ và hạ chuẩn để các DN nhóm này tiếp cận được nguồn vốn
(chủ yếu do các DN này không đáp ứng được yêu cầu vay tín dụng), từ đó sẽ kéo
tăng trưởng tín dụng đi lên. Mà việc này đòi hỏi sự tham gia tích cực của các
bộ ngành và chính quyền địa phương.
Như ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ
Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) bình luận ngành Ngân hàng không tự mình tạo ra dòng chảy tín dụng,
do vậy ngành đang rất cần các bộ, ngành,
cấp ủy, chính quyền địa phương cùng quyết liệt để các dòng sông cùng chảy mới
có thể giúp tín dụng tăng mạnh trở lại, cũng như bảo đảm chất lượng tín dụng.
Anh Đức (Tổng hợp)