Theo CNBC, Đan Mạch đang tiến gần hơn tới danh hiệu quốc gia không tiền mặt đầu tiên trên thế giới, khi tuần trước, Chính phủ công bố một loạt đề xuất, trong đó hủy bỏ luật yêu cầu các cửa hàng chấp thuận thanh toán bằng tiền mặt và đề nghị chỉ thanh toán điện tử.
Đan Mạch bước đầu là loại tiền mặt ra khỏi một số giao dịch mua bán
Nếu dự luật này được Quốc hội Đan Mạch thông qua, đồng nghĩa với việc các cửa hàng bán lẻ quần áo, các nhà hàng và trạm xăng tại nước này sẽ không nhận thanh toán bằng tiền mặt kể từ tháng 1/2016.
Hiện tại, thanh toán được thực hiện thông qua các loại thẻ đã rất phổ biến tại Đan Mạch, theo một nghiên cứu của WorldPay, công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Vào năm 2012, có tới 84,2% giao dịch tại Đan Mạch được thanh toán bằng thẻ, trong đó hình thức thanh toán thông qua ví điện tử cũng đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn.
Những người ủng hộ đề xuất trên cho rằng ít tiền mặt tại quầy thu ngân sẽ làm tăng an ninh trong cửa hàng, đồng thời giảm nguồn lực cho việc kiểm đếm và lưu trữ tiền giấy, tiền xu. "Một môi trường không tiền mặt sẽ giúp các mô hình cửa hàng mới hoạt động dễ dàng hơn. Việc thanh toán cũng sẽ ít đắt đỏ hơn do không có các hoạt động tốn kém liên quan tới tiền mặt", Jens Karskov - Giám đốc Phòng Thương mại Đan Mạch cho biết trong một thông cáo.
Tuy nhiên, đối với những dịch vụ thiết yếu như dịch vụ bưu điện, tại các quán ăn tự phục vụ tại bệnh viện, tại các phòng khám nha, khách hàng vẫn có thể được sử dụng tiền mặt trong thanh toán, nhưng chỉ là đồng krone - đồng tiền của Đan Mạch, theo trang web của Bộ Tài chính nước này.
Hệ thống trạm thẻ tại Copenhagen (Đan Mạch). Ảnh: Reuters
Peter Hahn – Giáo sư Ngân hàng và Tài chính công tại Trường Kinh doanh Cass (Anh) nhận xét: "Đây là vấn đề về văn hóa. Nó đòi hỏi phải có sự chấp nhận và còn tùy vào việc người ta có thoải mái với thẻ nhựa hay không".
Trong khi không phải ai cũng sở hữu điện thoại có chức năng thanh toán trực tuyến, thì hầu như mọi người hiện giờ cũng đã sở hữu ít nhất một tấm thẻ ngân hàng, kể cả tại khu vực nghèo nhất của châu Âu. Chính phủ một số nước châu Âu hiện nay thậm chí còn chi trả tiền trợ cấp thông qua các giao dịch điện tử, theo nhà phân tích Enrique Velasco-Castillo, chuyên gia Chương trình Chiến lược nền Kinh tế số.
Việc gia tăng thanh toán điện tử có thể làm dấy lên các mối lo ngại bảo mật. Tuy nhiên, Hahn cho rằng những lo ngại này không đáng kể so với ngân sách chính phủ. Giám sát được các hoạt động thanh toán sẽ giúp họ thu thuế và "chống tham nhũng" dễ dàng hơn.
Phương Anh (TH)