Cơ quan nào kiểm soát tài sản cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý?

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã có nhiều điểm mới về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ.

Sáng 31/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).

Ông Lê Minh Khái cho biết có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo đó, mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự thảo luật.

Hai phương án kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý ở cả 2 phương án theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị.

Cơ quan nào kiểm soát tài sản cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý? - Ảnh 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Quân Minh.
Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị khác (Điều 32 dự thảo Luật), Tổng Thanh tra cho hay Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án một giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Phương án 2 là đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án một.

Người có nghĩa vụ kê khai công tác tại TAND, VKSND, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

"Người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát. Người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát", ông Lê Minh Khái nói.

Một đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản khó khả thi

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đa số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo luật. Phương án này được đánh giá là tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay nhưng cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này.

Đồng thời, so với luật hiện hành, dự thảo bổ sung nhiều trường hợp bắt buộc phải xác minh tài sản, thu nhập; cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhiều nhiệm vụ mới thì việc giao cho một đầu mối cơ quan kiểm soát là khó khả thi (các nhiệm vụ mới trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập; trách nhiệm tham gia tố tụng tại tòa án trong trường hợp kết luận xác minh bị khởi kiện…).

Cơ quan nào kiểm soát tài sản cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý? - Ảnh 2
Việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ được đặc biệt quan tâm sau vụ biệt phủ của cựu Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý. Ảnh: Bảo Lâm.
Việc lựa chọn phương án này cũng hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, với tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của các cơ quan thanh tra hiện nay thì chỉ riêng việc thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trong các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng đã quá tải.

Vì vậy, việc tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án một sẽ không khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, bộ máy; ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng về thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Mặt khác, việc giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan Đảng, Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TAND, VKSND cũng chưa thật phù hợp với cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức hệ thống chính trị và phân cấp quản lý cán bộ ở nước ta.

Một số ý kiến tán thành với phương án một vì cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua là do phân tán thẩm quyền, thiếu bộ máy, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

Phương án này sẽ tạo điều kiện để từng bước chuyên nghiệp hóa hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; giúp tập trung đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ, tập trung nhân lực, vật lực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, với quy định này, việc tăng thêm tổ chức bộ máy, biên chế cho cơ quan thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được giao thêm là không tránh khỏi.

Nguồn: Zing

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục