Khép lại phiên giao dịch ngày 1/4, cổ phiếu BID tạm đứng mức 32.100 đồng/cp. So với phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu BID tăng 4,05%. Tuy nhiên, so với đầu tháng 3/2020, cổ phiếu BID cũng rớt đến 29%.
Giá cổ phiếu BID giảm liên tục trong tháng 3 - Nguồn cafef.
Sau kỳ nghỉ Tế Nguyên đán Canh Tý đến nay (30/1-28/2), cổ phiếu của BID đã giảm khoảng 14%, giảm từ 52.700 đồng/cp xuống còn 45.500 đồng/cp. Tức là giảm khoảng 7.200 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, với hơn 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường BIDV bị “thổi bay” khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.
Tính trong khoảng 3 tháng đầu năm, cố phiếu BID đã giảm 32% từ mức 46.900 đồng/cp xuống 32.100 đồng/cp như hiện tại.
Cổ phiếu MWG tiếp tục giảm giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu áp lực lớn khi mà cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, người lao động cũng đối mặt với khả năng mất việc, giảm lương,...
Theo báo cáo tài chính, đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản BIDV đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2018, là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.876 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.664 tỷ đồng, tăng khoảng 15,8%.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, BIDV ráo riết bán hàng loạt tài sản đảm bảo "siêu khủng" để thu hồi nợ như 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), Tòa nhà Dầu khí giữa PVIT và PVFC Thanh Hóa, Doanh nghiệp tư nhân Như Ý … Trong đó, lớn nhất là khoản nợ gần 1.300 tỷ của Vinaxuki.
Đặc biệt, BIDV là 'quán quân' về nợ xấu nội bảng với 19.451 tỷ đồng, tức tăng thêm 649 tỷ đồng so với năm 2018.
Con số nợ xấu nội bảng của BIDV gần gấp đôi Vietinbank và gấp 3 lần Vietcombank. Tuy nhiên, so với mức tăng mạnh hơn với gần 13% của dư nợ cho vay (đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng), đã giúp kéo tỷ lệ nợ xấu của BIDV từ 1,9% đầu kỳ xuống 1,74%.
Điều đáng ngại nhất ở BIDV chính là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 - Nhóm nợ nguy hiểm nhất) chiếm hơn 11.209 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm trong khi nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cùng giảm 29%, lần lượt là 3.849 tỷ đồng và 4.392 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán.
Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỉ lục 30.885 tỷ đồng, nhưng BIDV đã phải trích tới hơn 20.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018. Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn mất gần 65% lợi nhuận thuần của BIDV và là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế của nhà băng này.
Vụ BIDV cấp tín dụng cho loạt 8 công ty không có doanh thu chuyển Cơ quan Thanh tra?
Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định chuyển vụ việc BIDV và Agribank phê duyệt cho vay và giải ngân cho Công ty Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV, cho Cơ quan Thanh tra Giám sát của Ngân hàng Nhà nước quản lý, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo, cùng các khoản cấp tín dụng khác đã được nêu tại Kết luận thanh tra 3571 ngày 20/10/2017 của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN.
Tổng dư nợ của 8 doanh nghiệp gồm CTCP Xi măng Phú Sơn, CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí, CTCP Bò sữa Tây Nguyên, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Tập đoàn Khải Vy, CTCP Thuận Thảo - Nam Sài Gòn, CTCP Tiến Phước và 990, CTCP Thép Vạn Lợi tại BIDV tạm tính lên đến hơn 5.377 tỷ đồng.
Đây là các công ty có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu; quá trình cho vay BIDV có nhiều sai phạm, nhưng hiện tại BIDV vẫn đôn đốc thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.
Hà Phương