Ngày 22/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2018.
Nghị định này quy định hạn mức khuyến mại, giảm giá của hàng hóa, dịch vụ như sau:
Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại, giảm giá) thì được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Hạn mức khuyến mại, giảm giá 100% cũng được áp dụng với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định.
Ngoài trường hợp nêu trên, hạn mức khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại.
Cũng theo Nghị định này, không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Quy định mới nói trên được coi là một bước tiến dài so với quy định hiện hành và dự thảo trước đây.
Cụ thể, dự thảo trước đây đề xuất: “Thương nhân có thể giảm giá tối đa 70% trong các trường hợp khuyến mãi theo các chương trình tập trung (tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, tuần lễ khuyến mãi, ngày khuyến mãi…) do Nhà nước chủ trì tổ chức hoặc khuyến mãi theo các chương trình xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định. Đối với các trường hợp khuyến mãi khác vẫn duy trì hạn mức tối đa là 50% như hiện nay”.
Theo các doanh nghiệp, hạn mức tối đa 50% là bất hợp lý và không thực tế nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua. Quy định này là “vòng kim cô” bó buộc doanh nghiệp không thể bán hàng để thu hồi vốn trong những thời điểm như kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng xuống thấp, hàng hóa tồn kho cao, dòng tiền bị ngưng trệ. Trong khi đó, cơ quan quản lý thì gặp khó trong việc thực thi.
Trên thực tế, nhiều ngành nghề như công nghệ thông tin hay thời trang…, các sản phẩm, mẫu mã liên tục thay đổi. Thế nhưng, nếu như doanh nghiệp muốn bán hàng tồn kho của mình với mức giả rẻ hơn 50% để xả hết hàng thì cũng không được bởi “quy định không cho phép”.
Các chuyên gia cũng cho rằng quy định về mức trần giảm giá hiện nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Thực tế cho thấy các hình thức khuyến mãi có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt khi một doanh nghiệp mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mãi để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn. Vì vậy, việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Mặt khác, mức trần khuyến mại còn cản trở khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp trong nhiều trường hợp, hạn chế tính linh động của thương nhân trong việc chấm dứt kinh doanh và chuyển sang lĩnh vực khác.
Thực tế nhiều năm trở lại đây, khuyến mãi không còn tác dụng với người tiêu dùng đối với các cửa hàng kinh doanh trên nhiều tuyến phố khắp đất nước. Hình thức này đang ngày càng mất tác dụng khi người mua không còn chú tâm đến chương trình khuyến mãi mà các cửa hàng thời trang lớn giăng biển quanh năm suốt tháng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ của người tiêu dùng trước các chương trình khuyến mãi. Kinh tế khó khăn, nắm bắt tâm lý ngại chi tiêu của khách hàng nên các chủ kinh doanh thường xuyên mở các đợt giảm giá để thu hút khách mua. Đặc biệt, nhiều chủ cửa hàng không chú trọng chất lượng của chương trình khuyến mãi khiến người mua mất niềm tin. Hiện nay người tiêu dùng có xu hướng mua hàng thời trang xách tay từ nước ngoài được bán online, đặt hàng trên mạng hoặc tìm những mặt hàng khác giá cả phù hợp túi tiền.
Thậm chí, nhiều cửa hàng còn áp dụng chiêu nâng giá sản phẩm lên để hạ giá xuống thành “khuyến mãi” khiến khách hàng bức xúc. Người tiêu dùng đã ngày càng cảnh giác với biển “sale off” xuất hiện nhan nhản trên đường phố và các trung tâm thương mại.
Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được giá trước khuyến mãi là bao nhiêu nên không đối chiếu và so sánh được với giá đã khuyến mãi của nhiều loại hàng hóa. Doanh nghiệp đã lợi dụng khe hở này để đánh lừa người tiêu dùng, khiến khách hàng không còn mặn mà với các chương trình ưu đãi, giảm giá, dù được quảng cáo hấp dẫn đến cỡ nào.
Nguồn: Thoidai