Chi phí nhiên liệu, lỗ chênh lệch tỷ giá nặng gánh Vietnam Airlines

Mặc dù gặp khó khăn vì giá nhiên liệu tăng cao nhưng Vietnam Airlines vẫn ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không nội địa.

Chi phí nhiên liệu, lỗ chênh lệch tỷ giá nặng gánh Vietnam Airlines - Ảnh 1

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2022.

Doanh thu tăng mạnh sau dịch

Báo cáo cho thấy quý II năm nay Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu 18.323 tỷ đồng, tăng khoảng 280%, tương ứng hơn 11.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, đây là mức doanh thu theo quý cao nhất của Vietnam Airlines trong 2 năm trở lại đây.

Trong kỳ, doanh thu tăng song giá vốn bán hàng của hãng hàng không này cũng tăng mạnh 1,8 lần từ mức 9.922 tỷ đồng lên 18.700 tỷ đồng.

Doanh thu của hoạt động tài chính trong kỳ có mức tăng không đáng kể 5,67% đạt mức 149 tỷ đồng trong khi đó chi phí tài chính gấp tới 2,7 lần, lên mức hơn 1.147 tỷ đồng, phần lớn lỗ do chênh lệch tỷ giá (841 tỷ đồng) và lãi tiền vay (gần 262 tỷ đồng). Đồng thời, chi phí bán hàng tăng gấp 2 lần, đạt gần 660 tỷ đồng.

Khấu trừ thêm các chi phí, trong kỳ Vietnam Airlines báo lỗ 2.568 tỷ đồng, giảm lỗ 43% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mức lỗ của công ty mẹ Vietnam Airlines ít hơn 44% so sánh cùng kỳ, dừng ở mức 2.243 tỷ đồng.

Chi phí nhiên liệu, lỗ chênh lệch tỷ giá nặng gánh Vietnam Airlines - Ảnh 2

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt 29.944 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với con số đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 và vượt 35,3% so với kế hoạch.

Việc tăng trưởng doanh thu của Vietnam Airlines chủ yếu là đà tăng của doanh thu vận tải hàng không khi đóng góp đến 72% tổng doanh thu, đạt gần 21.600 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng ở mức 31.915 tỷ đồng tăng 157%, chủ yếu là do chi phí nhiên liệu bay cao hơn mức cùng kỳ, đã khiến cho ông lớn ngành hàng không lỗ gộp 1.972 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên điểm đáng chú ý là dù vẫn lỗ nhưng thực tế Vietnam Airlines đã cắt lỗ được đến 70% khi nửa đầu năm 2021 doanh nghiệp này lỗ đến 6372 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm đạt 254 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,8% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính gấp tới 2,1 lần, lên gần 1.676 tỷ đồng, phần lớn lỗ do chênh lệch tỷ giá (1.012 tỷ đồng) và lãi tiền vay (gần 487 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng mạnh 145% đạt mức gần 1.024 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 5.218 tỷ đồng sau 6 tháng, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp hàng không này lỗ gần 30 tỷ đồng. Dù vậy mức lỗ đã cải thiện hơn khi giảm tới 38,5% so với khoản lợi nhuận âm hơn 8.622 tỷ đồng nửa đầu năm 2021.

Đối với công ty mẹ Vietnam Airlines mức lỗ ở mức 4.685 tỷ đồng, giảm lỗ gần 39% so với cùng kỳ và thấp hơn 1.309 tỷ đồng so với kế hoạch.

Áp lực nợ vẫn hiện hữu

Tuy hoạt động kinh doanh đã cải thiện đáng kể nhưng hãng hàng không quốc gia vẫn đang phải đối mặt khoản dư nợ khổng lồ trong ngắn hạn.

Tính tới cuối quý 2/2022, Vietnam Airlines ghi nhận nợ ngắn hạn lên tới gần 53.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 41.000 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn (27.000 tỷ) và nợ thuê tài chính ngắn hạn (15.000 tỷ). Trong khi đó, nợ dài hạn giảm từ 21.000 tỷ đồng về gần 19.000 tỷ đồng.

Cuối kỳ, hãng hàng không với biểu tượng sen vàng còn nắm giữ 5.400 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn, 5.200 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn và 4.650 tỷ đồng hàng tồn kho.

Tính đến cuối quý 2/2022, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 66.576 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền và tương đương tiền tăng tới 92,8% lên 3.304 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 30,4%, lên 5.216 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 98,4%, lên 4.463 tỷ đồng…

Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế 5.118 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.

Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế 5.118 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.

Giải trình về kết quả sản xuất kinh doanh nửa đầu năm, Vietnam Airlines cho biết những tín hiệu tích cực trên đạt được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các khó khăn còn tồn tại khiến hàng không chưa thể thoát lỗ gồm giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) tăng cao đột biến - mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ, thị trường quốc tế phục hồi chậm chạp, chưa được như kỳ vọng.

Dẫn chứng, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, tháng 11/2021, Vietnam Airlines xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1 (bình quân của các năm trước chỉ 76 USD/thùng). Khi sang năm 2022, bình quân sáu tháng đầu năm giá nhiên liệu lên tới 116USD/thùng Jet A1, đến tháng Bảy này là 165USD/thùng Jet A1, cao gấp đôi dự kiến.

Chỉ cần chênh lệch 1 USD nhiên liệu bay đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines lên 10 tỷ đồng/tháng. Với sự chênh lệch từ 80 USD/thùng lên đến 116 USD/thùng Jet A1, trong sáu tháng đầu năm Vietnam Airlines phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines vẫn tin tưởng hàng không vẫn đang có tín hiệu khởi sắc đáng chú ý khi thị trường quốc tế đang dần được mở cửa trở lại. Qua đó, Vietnam Airlines lần đầu tiên ghi nhận có lãi trong nhiều ngày cao điểm Hè tháng Bảy và mùa cao điểm này kéo dài đến tháng 8/2022 sẽ mang lại dòng tiền lớn cho hãng hàng không.

6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vận chuyển gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Trong đó, nội địa là hơn 8,9 triệu lượt khách, vượt 25,9% kế hoạch; quốc tế là hơn 550.000 lượt khách, vượt 6,7% kế hoạch.

Tính riêng công ty mẹ, Vietnam Airlines vận chuyển hơn 8 triệu lượt khách, vượt 17,3% so với kế hoạch. Trong đó, nội địa là gần 7,5 triệu lượt khách, vượt 18,2% so với kế hoạch, quốc tế là 539 nghìn khách, vượt 6,5% so với kế hoạch.

Lê Mạnh Quốc

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục