Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tính đến năm 2020, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động, chỉ đạt 24,1%, tăng 3,2 điểm phần trăm so với năm 2016.
Theo ấn phẩm Động thái và thực trạng kinh tế – xã hội Việt Nam 5 năm 2016-2020, chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4. So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia.
Đặc biệt, chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất so với nhóm có thu nhập thấp nhất ngày càng tăng. Năm 2014, khoảng cách này là 9,7 lần, năm 2016 là 9,8 lần và năm 2019 là 10,2 lần. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.
Song, một dấu hiệu tích cực trong giai đoạn 2016-2020 liên quan đến lao động chính là năng suất lao động. Theo giá hiện hành, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2016 đạt 84,4 triệu đồng/lao động; năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động; năm 2018 đạt 102,1 triệu đồng/lao động; năm 2019 đạt 110,5 triệu đồng/lao động và năm 2020 đạt 117,4 triệu đồng/lao động.
Tính theo giá so sánh năm 2010, bình quân giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng 5,79%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân 4,27%/năm của giai đoạn 2011-2015 và cao hơn mục tiêu tăng trưởng bình quân 5%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, thời gian qua, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao. Tính chung giai đoạn 2011-2019, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2017 (PPP 2017) của Việt Nam tăng trung bình 5,1%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Indonesia.
Song, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: Chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Singapore, 23,1% của Malaysia, 41,5% của Thái Lan, 55,5% của Indonesia và 62,8% của Philippinse; chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,8 lần).
Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Cuối cùng, thu nhập quốc gia GNI của Việt Nam so với GDP ngày càng thấp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, thu nhập thuộc sở hữu nước ngoài mang ra khỏi Việt Nam ngày càng nhiều. Giai đoạn 2006-2010, bình quân GNI bằng khoảng 96,6% GDP; giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 95,46%; giai đoạn 2016-2020 là 94,13%.
Xu hướng này xuất hiện phổ biến ở các nước có đầu tư nước ngoài nhiều như Indonesia (GNI so với GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 là 96,95%), Campuchia (93,79%), Lào (95,91%) và Thái Lan (95,6%). Riêng Brunei và Philippines thu nhập từ nước ngoài chuyển về nước khá nhiều, làm cho GNI so với GDP của hai quốc gia này ở mức cao, tương ứng đạt 104,02% và 110,65%.
Theo sức mua tương đương (PPP 2017), tốc độ tăng GNI bình quân cả thời kỳ 2016-2019 của Việt Nam là 6,51%/năm, thấp hơn Campuchia (7,18%/năm), nhưng cao hơn các nước Thái Lan (3,89%/năm), Singapore (2,13%/năm), Philippines (6,18%/năm), Malaysia (4,85%/năm) và Indonesia (5,16%/năm).
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết