Hãng sản xuất xe hơi General Motors (GM) của Mỹ đã giảm giá bán xe ở thị trường Trung Quốc sau khi doanh số xe bán ra của hãng trong tháng trước ở thị trường xe hơi lớn nhất thế giới này sụt giảm.
General Motors giảm giá 40 mẫu xe tại thị trường Trung Quốc
Hãng này cho biết đã hạ giá 40 mẫu xe từ 10.000 Nhân Dân Tệ (tương đương 1.613 USD) đến 53.900 Nhân Dân Tệ (8.694 USD), chủ yếu là 3 thương hiệu chính của hãng tại Trung Quốc: Buick, Chevrolet và Cadillac. Theo đó, giá Cadillac ATS sedan giảm 6.7% xuống còn 418.800 Nhân Dân Tệ (67.485 USD), trong khi giá một chiếc Chevrolet Cruze sử dụng động cơ 1.5L còn 109.900 Nhân Dân Tệ (17.709 USD), giảm 8,3%.
Shanghai General Motors cho biết công ty phải hạ giá bán để đối phó với tình trạng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Một phát ngôn viên của GM Trung Quốc cho biết: “Qua việc điều chỉnh giá bán, một số mẫu xe có thể sẽ củng cố vị trí dẫn đầu của mình ở những phân khúc khác nhau, giúp chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng”.
GM và các liên doanh của hãng này ở Trung Quốc đã chứng kiến mức sụt giảm doanh số 0,4% trong tháng 4 do lượng cầu đối với các thương hiệu xe lớn nhất của hãng đều sụt giảm. Doanh số của các thương hiệu xe Wuling, Buick và Chevrolet giảm lần lượt là 5,1%, 8,5% và 5,6%.
Nền kinh tế tăng trưởng chậm đang tác động đến lượng cầu trong nước ở Trung Quốc và vì thế, các hãng sản xuất xe hơi nước ngoài cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ phía các đối thủ Trung Quốc, đặc biệt là trong phân khúc thị trường xe SUV.
Không riêng GM mà nhiều ông lớn khác cũng phải giảm giá xe tại Trung Quốc thời gian gần đây, trong bối cảnh lượng tiêu thụ chậm lại, hàng tồn kho ở các đại lý tăng cao, trong khi môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong tháng 4, Shanghai Volkswagen, một trong những liên doanh của Volkswagen tại Trung Quốc, cũng giảm giá cho một loạt mẫu xe tới 10.000 Nhân Dân Tệ, bao gồm Lamando sedan. Chi nhánh của Honda cũng hạ giá 8.000 Nhân Dân Tệ cho mẫu xe thể thao đa dụng CR-V.
Các chuyên gia cho rằng việc tích cực bảo vệ thị phần có thể khiến các hãng phải “hy sinh” mục tiêu lợi nhuận.
Phương Anh (TH)