Theo báo Đại đoàn kết, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam thuộc top cao trên thế giới với khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp mỗi năm, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là phát hiện muộn khi việc tầm soát không được chú ý.
Theo BS Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng Hóa sinh (Trung tâm Xét nghiệm Medlatec): Trong cuộc chiến chống ung thư, thắng hay thua nằm ở hai chữ “sớm - muộn”. Chủ động tầm soát ung thư sớm là cực kỳ quan trọng, bởi tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp kéo dài thời gian sống và thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Nhận biết ung thư ở giai đoạn sớm giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian điều trị, từ đó, chi phí điều trị đỡ tốn kém hơn rất nhiều khi phát hiện ở giai đoạn muộn và phải sử dụng đến các phương pháp điều trị phức tạp kéo dài hàng năm trời.
Tuy nhiên, người dân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, BS đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh. Tuyệt đối không tin vào các chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng, nhất là với bệnh nan y như ung thư, vừa mất tiền vừa khiến bệnh nặng thêm khi không được điều trị kịp thời.
Vô số các loại tầm soát ung thư "bùng nổ"
Cụ thể, 1 cơ sở y tế tư nhân quảng cáo trên Facebook về gói tầm soát ung thư toàn thân với hơn 90 xét nghiệm liên quan với đảm bảo phát hiện được tất cả các bệnh ung thư nếu có. Hay cũng trên mạng xã hội, một phòng khám tư nhân cũng đưa ra những ưu đãi đặc biệt về dịch vụ lấy máu xét nghiệm tại nhà, cùng lời khẳng định “chỉ cần xét nghiệm máu là có thể phát hiện ung thư”.
Không ít các BV cũng đang xây dựng các gói tầm soát ung thư sớm dựa trên số tiền mà người dân bỏ ra. Hiểu nôm na là chi nhiều tiền thì sẽ có gói tầm soát cao cấp và ngược lại, cách xây dựng này hoàn toàn mang mục đích thương mại mà không từ góc độ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Thậm chí, một vài gói tầm soát không những thực hiện những xét nghiệm rất đắt đỏ mà còn gây xâm lấn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân như chụp CT toàn thân hay chụp PET/CT.
“Việc tầm soát ung thư là rất tốt nhưng cần sự phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Ví dụ như gia đình có mẹ mắc ung thư vú thì con gái nên tầm soát sớm, hay người đến độ tuổi nhất định nên đi tầm soát những loại ung thư cụ thể. Chúng ta cần hiểu, mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau, thực hiện trên nam và nữ có khác biệt. Chưa kể, một số loại bệnh ung thư không có biểu hiện bất thường trên các phương tiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm. Bởi vậy, việc thực hiện tầm soát toàn thân, xét nghiệm tràn lan còn gây tâm lý hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người xét nghiệm” - BS Hoàng cho biết.
Sự thật đằng sau các gói tầm soát ung thư được quảng cáo tràn lan
Không chỉ “trăm hoa đua nở” các gói tầm soát ung thư, kèm đó là hàng loạt các quảng cáo quá sự thật, thậm chí là sai lệch như "chỉ một xét nghiệm ra nhiều bệnh", "tầm soát ung thư đa điểm, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài chỉ với một gói khám"... đã khiến không ít người dân tiền mất, tật mang.
GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: “Ung thư là bệnh đa hình thái, có trên 200 loại ung thư khác nhau và ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, cho nên nếu chỉ một xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có”.
GS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, các quảng cáo, thông tin về việc xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư là không chính xác. Thông thường, những dịch vụ này quảng cáo là xét nghiệm máu để phát hiện chất chỉ điểm ung thư, hoặc dấu ấn ung thư.
Thế nhưng, thực tế là trong y khoa, vai trò của chất chỉ điểm khối u là theo dõi và đánh giá, theo dõi kết quả điều trị, không phải để sàng lọc. Hơn nữa, một số chất chỉ điểm không chỉ tăng khi bị ung thư, mà viêm nhiễm thông thường, mắc các bệnh phổ biến cũng có thể tăng lên.
Vì vậy, xét nghiệm chất chỉ điểm để sàng lọc ung thư không có ý nghĩa quá lớn.
Theo báo điện tử VTV News, thông tin từ Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, quy trình tầm soát ung thư là sự tổng hợp của nhiều phương tiện từ thăm khám lâm sàng, phát hiện những bất thường, khó chịu trong sinh hoạt của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sáng như siêu âm, chụp X quang, CT…
Việc xét nghiệm máu nếu được chỉ định chỉ là phối hợp chẩn đoán khi cần thiết, đặc biệt với bệnh nhân ung thư đã qua điều trị để xác định khả năng tái phát. Sự lạm dụng các kỹ thuật cao như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư, chỉ gây tốn kém mà không hề hiệu quả và hệ lụy tiếc thay không chỉ dừng ở sự tốn kém
Tầm soát ung thư phải được thực hiện theo từng độ tuổi. Chỉ cần một gói xét nghiệm căn bản như với chi phí vào khoảng 2 triệu đồng với tần suất 1-2 năm để phát hiện ra ung thư giai đoạn đầu. Vì vậy, cần cảnh giác với các gói “tầm soát ung thư” được khuyến mãi rầm rộ mà công dụng chủ yếu là chỉ để hù dọa bệnh nhân.