“Cò kè” xuất hóa đơn
Trên thực tế, việc bán hàng không giao hóa đơn hiện nay đang diễn ra khá phổ biến, gây thất thu thuế cho Nhà nước và tạo kẽ hở cho hàng lậu, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Khi tìm hiểu việc áp dụng và thực thi pháp luật về Thuế của một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn Tp. Hà Nội, PV nhận thấy tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm, Gia Phú Baby, chuỗi mỹ phẩm Beauty Garden.
Được biết, Ếch Cốm là chuỗi thương hiệu bán lẻ sản phẩm mẹ & bé thuộc công ty TNHH Minh Khôi EC Việt Nam (địa chỉ số 783 phố Trương Định, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội). Hệ thống này có 17 cửa hàng trên cả nước, tính riêng khu vực Hà Nội có 12 cơ sở kinh doanh.
Ghi nhận tại cửa hàng số 166 Nguyễn Văn Cừ - Long Biên - Hà Nội, PV nhận thấy, nhiều sản phẩm không đầy đủ tem nhãn phụ tiếng Việt, thông tin trên bao bì đều bằng tiếng nước ngoài,... Chúng tôi chọn mua Kiwi ho đêm children’s good night 100ml, có giá in trên hóa đơn bán lẻ là 395.000 đồng.
Khi yêu cầu hóa đơn VAT, phải gặng hỏi nhiều lần, nhân viên mới cho biết, đây là hàng “xách tay”, chỉ hàng công ty mới xuất được hóa đơn. “Nếu muốn lấy hóa đơn theo số tiền, bên em có thể xuất cho chị sang sản phẩm khác được không?”, nhân viên cửa hàng mặc cả.
PV tiếp tục ghi nhận tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé Gia Phú Baby, thuộc công ty TNHH Kinh doanh và dịch vụ Gia Phú. Hiện thương hiệu này có 6 cơ sở hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Tình trạng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng phổ biến ở các sản phẩm Camilla, Fenugreek, Vitamin E 500IU (Healthy Care), Fish Oil 1000mg Omega-3 (Healthy Care), Kid Milk Calcium (Healthy Care), Milk Calcium for Kids (Bio Island), Hikid (Ildong), sữa Meiji…
Chọn mua 2 sản phẩm cho bé, gồm: Vitamin D3&K2 MK7 30ml (được giới thiệu xuất xứ Anh), có giá in trên hóa đơn bán lẻ là 299.000 đồng và muối uống Coryzalia vàng 30 ống, có giá 295.000 đồng, nhân viên kế toán gửi “hóa đơn nháp” cho PV là 2 sản phẩm Vitamin K2&D3 với giá 320.000 đồng/1 hộp.
Khi thắc mắc về mức giá khác sản phẩm đã mua, PV bị nhân viên vặn vẹo lại lý do cần lấy hóa đơn chuẩn rồi thẳng thắn nói “cửa hàng chỉ lấy hóa đơn đỏ của vài mặt hàng tiêu biểu” và khẳng định luôn “muối vàng Cody là hàng xách tay không có hoá đơn”.
Nhân viên này cũng cho rằng, việc xuất hóa đơn sản phẩm có giá cao hơn thực mua là có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, kể cả khi xuất hóa đơn giá trị cao hơn thì giá của sản phẩm ghi trong hóa đơn cũng không khớp với giá trị thực của sản phẩm đã mua. Khi PV không đồng ý, kế toán cửa hàng xin lỗi khách vì… không thể xuất hóa đơn đúng giá, đúng mặt hàng.
Cương quyết không… xuất hóa đơn?
Ngoài ra, chuỗi mỹ phẩm Beauty Garden thuộc công ty Cổ phần Beauty Garden (mã số thuế 0314635748, địa chỉ đăng ký: 255 Bình Lợi, P. 13, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM) cũng tồn tại dấu hiệu không rõ ràng về “hóa đơn” ở cửa hàng số 89 Chùa Bộc, Đống Đa, Tp. Hà Nội.
Khi tư vấn, nhân viên cam kết tất cả các sản phẩm tại đây đều là hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV, một số loại mỹ phẩm từ thương hiệu Dolce & Gabbana, Bath & Body, Black Rogue, Estee Lauder,... hoàn toàn không có tem chống hàng giả, nhãn phụ tiếng Việt.
PV đã mua nhiều hàng hóa tại đây và mong muốn được xuất hóa đơn VAT, nhưng nhân viên thu ngân khẳng định “nhiều sản phẩm là hàng xách tay, công ty ra quy định không xuất hóa đơn đỏ”.
Đáng nói, sản phẩm kem nền Maybelline dù không phải là hàng xách tay, có tem chống hàng giả của bộ Công an, nhãn phụ bằng tiếng Việt đầy đủ nhưng đơn vị này vẫn nhất quyết… không xuất hóa đơn!?
Dấu hiệu vi phạm quy định về xuất hoá đơn
Về những thực tế ghi nhận kể trên của PV, Luật sư Nguyễn Sương, công ty Luật FDVN - Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng nêu quan điểm: “Khoản 1, Điều 4, Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã quy định rõ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua”.
“Căn cứ khoản 5, điều 24, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc lập hóa đơn theo quy định”, vị luật sư nói.
Liên quan đến nhiều sản phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ tiếng Việt, luật sư dẫn khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc””, và cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc của những mặt hàng này.
Đồng quan điểm trên, bà Đào Thị Thu Hương, Giám đốc công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín chi nhánh Thái Nguyên bày tỏ: “Việc cơ sở kinh doanh từ chối xuất hóa đơn vì lý do “hàng xách tay” hoặc xuất hóa đơn khác với thông tin về hàng hóa, giá cả thực tế là không phù hợp với quy định của pháp luật. Ngay cả khi không được yêu cầu thì cơ sở kinh doanh vẫn phải có trách nhiệm xuất hóa đơn theo quy định để gửi cho khách hàng mà không phụ thuộc vào nhu cầu của khách.
Để quản lý chặt chẽ các hệ thống bán hàng, cơ sở kinh doanh… cơ quan thuế cần phối hợp với các đơn vị ban ngành chức năng như sở Tài chính, sở Công Thương, công an, quản lý thị trường, ngân hàng tăng cường công tác tuyên truyền kiểm tra, kịp thời xử lý, chấn chỉnh việc không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết, không xuất hóa đơn, không kê khai thuế khi bán hàng hóa dịch vụ hoặc xuất hóa đơn không đúng chủng loại, giá trị hàng hóa.
Nếu các trường hợp không tuân thủ đúng pháp luật thuế trong hoạt động kinh doanh đều được phát hiện, xử lý chính xác, nghiêm khắc, kịp thời thì sẽ có tác dụng phòng ngừa, thúc đẩy các đối tượng nộp thuế, hướng đến sự tuân thủ pháp luật về thuế…”.