Bún là loại thực phẩm truyền thống được sử dụng nhiều trong các gia đình và nhà hàng. Tuy nhiên, để tăng độ bóng, độ dai cho bún, người sản xuất đã không ngần ngại dùng chất huỳnh quang (Tinopal), hàn the độc hại.
Màu sắc bún sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt bún sạch và bún chứa huỳnh quang, hàn the độc hại
Theo các chuyên gia, hàn the có tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Borax được sử dụng phổ biến trong các chất tẩy rửa, chất làm mềm nước. Trước đây, borax có trong các công thức thuốc điều trị loét aptơ, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi... nhưng hiện ít được dùng. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống. Còn huỳnh quang (tinopan) là một hóa chất dùng trong công nghiệp để tẩy rửa làm trắng giấy, vải sợi… và cũng tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm.
Những hóa chất này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tác động đến quá trình sinh tổng hợp các chất dinh dưỡng trong tế bào, đặc biệt là tổng hợp protein. Điều này dẫn đến nhiều rối loạn trong quá trình được hấp thu vào trong cơ thể, gây tổn thương ống tiêu hóa, gan và thận…. Do đó, người tiêu dùng cần biết những cách phân biệt bún sạch và bún chứa hóa chất độc hại dưới đây để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Màu sắc
Bún được làm từ gạo nên màu của bún khi thành phẩm sẽ không thể trắng hơn gạo. Cũng như gạo khi mang nấu thành cơm, màu của bún nếu không dùng hóa chất sẽ có màu trắng ngà tương tự như màu cơm. Vì vậy, khi thấy bún trắng bất thường, khả năng người chế biến đã cho vào chất tẩy trắng hoặc một số chất tương tự để làm bún trắng hơn.
Độ bóng mượt của sợi bún
Người tiêu dùng cũng nên lưu ý đến độ bóng mượt của sợi bún. Nếu sợi bún quá sáng, bóng mẩy thì cũng có khả năng bún đã được xử lý bằng hóa chất. Sợi bún không có hóa chất thường không thể quá “mượt mà”.
Độ dai
Bún gạo sạch, không dùng hóa chất thì sợi bún sẽ không quá dai, hơi dính. Trong khi đó, bún tẩm hóa chất thường dai và ít dính hơn.
Mùi vị
Thông thường, bún không chứa hàn the có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi. Đây là mùi chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún. Còn bún chứa hàn the sẽ không có mùi chua dịu của gạo ngâm. Nếu để bún ngoài chợ tới cuối ngày với nhiệt độ cao mà không có mùi chua thì nhiều khả năng bún đã sử dụng hàn the và hóa chất.
Ngoài ra, bạn có thể rắc thử bột nghệ lên bún nếu thấy sợi bún chuyển sang màu xám thì đó là bún chứa hàn the. Còn bún chứa huỳnh quang sẽ trở nên óng ánh, phản chiếu dưới ánh đèn.
Dung Nguyễn (T/h)