Cách bảo quản thuốc an toàn tại nhà

(Kinhdoanhnet) - Hiện nay, gần như mỗi gia đình đều chuẩn bị sẵn một tủ thuốc nhỏ để đảm bảo xử lí kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, cách bảo quản đúng chuẩn để giữ đúng tác dụng của thuốc thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là những cách bảo quản thuốc an toàn tại nhà mà các gia đình nên ghi nhớ.

Phần lớn các loại thuốc cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát với mức nhiệt độ dưới 25 độ C. Bởi nhiệt độ vượt quá mức này có thể khiến các loại thuốc mất tác dụng. 

Cách bảo quản thuốc an toàn tại nhà - Ảnh 1
Bảo quản đúng cách giúp giữ đúng tác dụng của thuốc và đảm bảo an toàn cho mỗi lần sử dụng

Các gia đình cũng cần tránh để thuốc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì chúng có thể sẽ phản ứng với ánh sáng mặt trời. Điều này sẽ làm giảm dược tính và làm mất hiệu quả chữa bệnh, thậm chí nó thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn khi bạn dùng thuốc.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc trên bao bì và tham khảo ý kiến các bác sỹ về cách bảo quản các loại thuốc để giữ đúng tác dụng của thuốc và đảm bảo an toàn cho mỗi lần sử dụng.

Với từng dạng thuốc khác nhau sẽ có từng cách bảo quản khác nhau. Cụ thể:

Si rô

Luôn để si rô tránh xa ánh sáng mặt trời. Hầu hết si rô nên được sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi mở nắp chai và hãy nhớ vặn chặt nắp ngay sau khi sử dụng để đảm bảo vi khuẩn, vi-rút và bụi bẩn không thể xâm nhập và làm nhiễm bẩn si rô. 

Riêng với loại si rô cần thêm một lượng nước được kê đơn trước khi sử dụng thì hãy đun nước sôi để nguội trước khi cho vào chai. Ngoài ra, cần đảm bảo nước không chứa tạp chất để tránh làm nhiễm bẩn si rô. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng không nên lưu trữ lâu hơn 1 tuần sau khi mở.

Thuốc viên và viên nang

Thuốc viên và viên nang nên được bảo quản trong hộp kín ở nơi thoáng mát và tránh ánh sáng. Không nên bảo quản chúng ngoài bao bì ban đầu vì đó là nơi được thiết kế chống ẩm tốt nhất. Ngoài ra, hãy tránh dùng tay ướt hoặc bẩn khi sử dụng thuốc viên và viên nang.

Thuốc nhỏ giọt

Giống như tất cả các loại thuốc khác, thuốc nhỏ giọt nên được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, tránh xa ánh sáng mặt trời và ở nơi mát, tối. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận khi sử dụng chúng. Không nên để vòi của những lọ thuốc nhỏ giọt tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi hoặc tai và bạn nên nhỏ thuốc ở một khoảng cách nhất định. Nếu nó tiếp xúc với da mà bạn không làm sạch điểm tiếp xúc trước khi cho lại vào hộp, phần thuốc còn lại có thể bị nhiễm bẩn.

Vắc-xin và thuốc tiêm

Tất cả các loại vắc-xin và thuốc tiêm cần được bảo quản trong tủ lạnh trừ khi có hướng dẫn đặc biệt trên bao bì. Nhiệt độ bảo quản vắc-xin lý tưởng là 2-8 độ C. Nhưng lưu ý rằng không được lưu trữ chúng ở ngăn đá hoặc ngăn để rau bởi nhiệt độ ở các ngăn này thường thấp hoặc cao hơn nhiệt độ tối ưu và có thể làm hỏng vắc-xin. Hãy vứt bỏ thức ăn cũ để đảm bảo tủ lạnh sạch sẽ và cần rửa tay sạch trước khi sờ vào thuốc.

Insulin

Nhiều người bảo quản insulin ở nhiệt độ phòng, nhưng cần nhớ rằng cũng như các thuốc tiêm khác, insulin cần được lưu trữ trong tủ lạnh.

Lưu ý: 

- Hãy bỏ những thuốc đã quá hạn sử dụng, nếu không thấy hạn dùng thì hãy bỏ đi sau 6 tháng. Bởi các thuốc đã quá hạn sẽ không chữa được bệnh mà còn có thể gây hại thêm.

- Bỏ đi các thuốc mà bao bì, vỉ, lọ đã bị hư hại, nứt vỡ hoặc không còn bao bì gốc (Cần giữ và bảo quản thuốc trong đúng bao bì của chúng để tránh tuyệt đối tình trạng dùng nhầm thuốc).

- Bỏ đi nếu thấy thuốc đã chuyển màu hay thuốc viên có vẻ đã chuyển thành bột, thuốc nước trông thấy bị đục hay kết tủa.

- Bạn cũng nên thận trọng khi bỏ đi các viên thuốc cũ. Có ý kiến cho rằng nên đổ chúng vào bồn cầu và giật nước cho trôi nhưng cách làm này có thể gây nên một số lo ngại cho môi trường nước. Do đó, nếu bạn bảo đảm được con bạn hay vật nuôi sẽ không bén mảng đến gần thùng rác thì tốt nhất nên gói những vỉ thuốc này lại và vứt vào đó.

Dung Nguyễn (Theo Sức khỏe & đời sống, Vnexpress)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục