Các ông lớn cắn răng chịu mất vốn

Một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia tiết lộ, đã gần như hoàn tất thương vụ Tập đoàn UOB (Singapore) mua lại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GP Bank) và GP Bank sắp trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

GP.Bank có tiền thân là NHTM cổ phần Nông Thôn Ninh Bình gồm 5 phòng giao dịch và kinh doanh vàng bạc tại tỉnh Ninh Bình. Năm 2005, ngân hàng chuyển đổi thành NHTM cổ phần đô thị hoạt động tại Hà Nội với tên gọi là NHTM cổ phần Toàn Cầu. Năm 2006, ngân hàng công bố cổ đông chiến lược là Tập đoàn Petro Việt Nam (PVN), chuyển hội sở về Hà Nội. Năm 2007, chính thức đổi tên thành NHTMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank).

Được biết, tập đoàn Ngân hàng UOB được thành lập tại Singapore vào năm 1935 với tên gọi United Chinese Bank, chủ yếu phục vụ cộng đồng người Phúc Kiến trong những năm đầu thành lập. Đến năm 1965, Ngân hàng đổi tên thành United Overseas Bank để phản ánh mong muốn trở thành một ngân hàng hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

GP.Bank được đánh giá là ngân hàng khá “kín tiếng” khi các thông tin đều rất ít. Tuy giá cả thương vụ chưa được tiết lộ, song theo chuyên gia trên, số tiền mà các cổ đông lớn của GP Bank nhận về là không nhiều.

Là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt đầu tiên. Có thời điểm, GP Bank chỉ còn là ngân hàng rỗng, nợ xấu cao hơn cả vốn điều lệ. Do đó, khi bán GP Bank, các cổ đông phải chấp nhận mất một phần vốn để bù đắp những mất mát này. Các đối tác mua lại GP Bank tất nhiên cũng không dại gì trả giá cao, bởi mua lại GP Bank đồng nghĩa với việc phải gánh theo một khoản nợ không nhỏ.

Theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, thường những ngân hàng buộc phải sáp nhập, hợp nhất là những ngân hàng đã bị phá sản về mặt kỹ thuật, nợ xấu ăn mòn vốn chủ sở hữu. Do đó, khi tiến hành M&A, các cổ đông lớn đương nhiên phải chấp nhận mất một phần vốn.

“Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thông qua việc trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng lành mạnh góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Cổ đông của các ngân hàng thương mại cổ phần phải bù đắp đầy đủ tổn thất về vốn, tài chính phát sinh và bảo đảm đáp ứng được các quy định an toàn hoạt động ngân hàng. Nếu không, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi, tài sản của Nhà nước và người gửi tiền”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh việc yêu cầu các cổ đông lớn phải bù đắp tổn thất do quản lý yếu kém gây ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần làm rõ sức khỏe của các ngân hàng hậu sáp nhập.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục