Bùng nổ giao dịch ngân hàng - thời hoàng kim sẽ không còn xuất hiện

Các ngân hàng đã bước qua thời kỳ bùng nổ của hoạt động giao dịch và sẽ không còn cơ hội quay lại thời kì "hoàng kim" đó nữa.

Các ngân hàng đã bước qua thời kỳ bùng nổ của hoạt động giao dịch khi lợi nhuận kiếm được từ trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa tăng cao chưa từng thấy.

Doanh thu từ thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa hay còn gọi là hệ thống FICC của hầu hết các ngân hàng lớn ở Mỹ và châu Âu tiếp tục giảm trong quý I/2014, gây áp lực ngày càng lớn lên việc xem xét lại mô hình kinh doanh của khối cho vay này.

Mặc dù các nền kinh tế phương Tây sẽ phải mất vài năm để phục hồi lại sản lượng kinh tế về mức trước khủng hoảng nhưng nhiều người nghi ngờ rằng, các ngân hàng sẽ không thể trở lại thời kỳ đỉnh cao trong hoạt động giao dịch như trước và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nguyên nhân là môi trường pháp lý trở nên nghiêm ngặt hơn và chu kỳ giảm lãi suất toàn cầu trong 20 năm đã tạo được bước ngoặt tiềm năng.
Theo nghiên cứu của Freeman, doanh thu từ hoạt động giao dịch FICC vẫn chiếm trên 70% tổng thu nhập của các ngân hàng.

Thu nhập từ giao dịch FICC của Goldman Sachs chiếm 72% tổng thu nhập của ngân hàng trong năm 2013, thấp hơn so với mức 82% trong năm 2010. Thu nhập từ giao dịch FICC của Morgan Stanley cũng giảm mạnh trong năm 2013, chiếm 70% tổng thu nhập so với mức 82% trong năm 2003.

Việc áp dụng quy định mới, các chính sách tiền tệ và kinh tế đặc biệt nhằm hạn chế những biến động thị trường cực đoan đã khiến khối lượng giao dịch và biến động giá cả giảm xuống. Đây có vẻ như là một sự thay đổi cơ cấu chứ không chỉ là thời gian tạm lắng tạm thời hay theo chu kỳ. Trong đó, pháp lý là khía cạnh thay đổi nhiều nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Có một số quy định được ban hành sau cuộc khủng hoảng năm 2007 -2008 như đạo luật Dodd-Frank, quy định Volcker tại Mỹ và hiệp ước Basel III trên toàn cầu. Những quy định này giúp hạn chế khả năng của các ngân hàng trong việc nắm giữ, giao dịch, đầu tư vào tài sản cố định và sản phẩm phái sinh, làm giảm tính thanh khoản. Các nhà cung cấp thanh khoản truyền thống khác, như các quỹ đầu tư, cũng không thể lấp đầy khoảng trống đó vì doanh nghiệp của các quỹ này cũng phải chịu áp lực.

Áp lực lên hoạt động FICC của ngân hàng càng được quan tâm nhiều hơn khi doanh thu quý I của khối ngân hàng giảm mạnh trên diện rộng. Trong khi đó, quý I thường là thời điểm mà hoạt động giao dịch FICC tạo ra nhiều lợi nhuận nhất do các quỹ trợ cấp và bảo hiểm kêu gọi dòng đầu tư mới, các doanh nghiệp và chính phủ bán trái phiếu mới để huy động vốn.

Tổng doanh thu từ FICC của 10 ngân hàng - Barclays, các ngân hàng Mỹ như JP Morgan, Morgan Stanley, Goldman Sachs, Bank of America, Citi, và các tập đoàn tài chính châu Âu như UBS, Deutsch, BNP Paribas và Credit Suisse - đã giảm xuống 24,18 tỷ USD trong quý I/2014 từ mức trên 28 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái và gần 30 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2012.

Sụp đổ trong biến động thị trường cũng đã là nguyên nhân của suy giảm này. Đây có thể là cứu cánh cho các nhà đầu tư không ưa rủi ro nhưng cũng làm giảm khả năng sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro của họ cũng như cơ hội kiếm lợi nhuận từ giao dịch chứng khoán.

Chỉ số biến động tiềm ẩn - thước đo khả năng biến động của giá tài sản trong một khoảng thời gian cụ thể - bằng hoặc gần với mức thấp kỷ lục đối với những tài sản được giao dịch nhiều và có tính lưu động như trái phiếu kho bạc Mỹ, tỷ giá EUR/USD và USD/JPY.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, bê bối trong cuộc điều tra toàn cầu về lời cáo buộc gian lận tỷ giá hối đoái và lãi suất Libor gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giao dịch FICC, buộc ngân hàng phải chi hàng tỷ đô la như là chi phí cho các vụ kiện tụng tiềm năng.

Yếu tố cuối cùng khiến hoạt động giao dịch FICC "lụi tàn" là thế giới đang ở trên đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất mà dẫn đầu là Cục dự trữ liên bang Mỹ với việc cắt giảm chương trình kích thích lớn chưa từng thấy sau khủng hoảng năm 2008.

Theo DVO/ Business Insider

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục