Bỏ trần giá sữa, doanh nghiệp được tự định giá bán lẻ

(Kinhdoanhnet) - Các doanh nghiệp kinh doanh sữa sẽ tự xác định mức giá hợp lý và đăng ký, kê khai giá với Bộ Công thương.

Mới đây, tại lễ công bố Sách Trắng 2017 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cơ quan này đã đề xuất Việt Nam nên gỡ bỏ chính sách giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; đồng thời cho phép quay trở lại với cơ chế giá thị trường và không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa như hiện tại, cũng như không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.

Bỏ trần giá sữa, doanh nghiệp được tự định giá bán lẻ - Ảnh 1
Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Lộc An, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sau khi  tự xác định mức giá bán lẻ và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ phải thông báo tới hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Doanh nghiệp cũng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước.

Cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ Công thương, sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

Ông An cho biết thêm, Vụ Thị trường trong nước dự kiến quy định quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng theo hướng: doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối (sản xuất, nhập khẩu sữa) tự xác định mức giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các doanh nghiệp triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước; thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đã đăng ký hoặc kê khai.

Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường. 

Theo ông An: "Với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...; xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng".

Mai Anh (TH theo Pháp luật TPHCM, Tuổi trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục