Chúng ta vẫn biết, bìa mỗi cuốn sách là phần bắt mắt, dễ nhận biết và ghi sâu vào tâm trí người học, người xem nhất.
Vì vậy việc chọn hình ảnh, thiết kế bìa mỗi cuốn sách rất cần sự lựa chọn và những tính toán kỹ lưỡng, khôn ngoan thậm chí theo các nhà giáo dục, nó cần phải chuẩn về lịch sử và địa lý của người có tâm với sách.
Tuy nhiên mới đây, bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục xuất bản lại khiến dư luận một phen khó hiểu khi lựa chọn Vạn Lý Trường Thành làm hình minh họa trên bìa cuốn sách Lịch sử lớp 7.
Bìa sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 với hình ảnh Vạn Lý Trường Thành gây bức xúc dư luận.
Trước những thông tin này, trao đổi với TĐO một đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay: “Hình ảnh minh họa in ở trang bìa thể hiện một phần nội dung bên trong cuốn sách. Cụ thể, lớp 7, học sinh đã học về lịch sử thế giới trong đó có lịch sử Trung Quốc thời phong kiến".
Cũng theo vị này thông tin thì: Việc lấy hình ảnh của Vạn Lý Trường Thành nhằm gợi mở nội dung của sách. Sách giáo khoa Lịch sử 7 được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sử dụng trong toàn quốc từ 2003 cho đến nay. Và thực tế sách giáo khoa Lịch sử 7 được sử dụng ổn định từ đó đến nay.
Cha đẻ của cuốn sách PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Chủ biên SGK Lịch sử 7 cho biết: "Ở chương trình môn Lịch sử lớp 7, các em đã học về lịch sử Việt Nam và một số kiến thức lịch sử thế giới. Hình ảnh đó đại diện cho phần lịch sử thế giới, đại diện cho một nền văn hóa ví dụ như một kỳ quan thắng cảnh đặc sắc của một quốc gia bất kỳ. Trong phần lớn các bìa cuốn SGK Lịch sử đều có hình ảnh một của Việt Nam và một của thế giới".
Còn đối với phụ huynh học sinh, phần lớn đều tỏ thái độ không mong muốn bìa sách giáo khoa Việt Nam có hình ảnh Vạn Lý Trường Thành trên.
Anh N.V.H. một phu huynh học sinh lớp 7, cầm cuốn sách thì cho rằng: “Nếu muốn gợi mở thì có thể đặt hình ảnh biểu tưởng của nhiều quốc gia cạch nhau như một trường dài sẽ đỡ gây khó chịu hơn”
Chị N.N.H. một phụ huynh có con học lớp 7 cũng nêu ý kiến: “Trung Quốc cũng chỉ được nhắc tới 1 phần nhỏ trong cuốn sách, vậy mà lại lấy hình biểu tượng Trung Quốc trên bìa, phải chăng Việt Nam quá coi trọng Trung Quốc?”
Dẫu vẫn biết rằng, bìa sách có tác dụng gợi mở nội dung của cuốn sách, tuy nhiên Nhà xuất bản Giáo dục lấy hình Vạn Lý Trường Thành để làm hình minh họa ngay tại trang bìa cuốn sách như vậy gây ra phản cảm cho người dân cũng là điều dễ hiểu. Nhất là trong thời điểm hiện tại, chúng ta đang kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, hình ảnh Việt...
Việc in bìa cuốn sách lịch sử lớp 7 có hình Vạn Lý Trường Thành trên xét về góc độ chuyên môn là không sai. Tuy nhiên, khi trình bày bìa, hình Vạn Lý có phải là lựa chọn duy nhất và là lựa chọn khôn khoan hay không? Thì, thật khó làm vừa lòng mọi người được.
Mong rằng, khi quyết định xuất bản ấn phầm gì, cần đi sâu và nghiên cứu tâm lý người dân và cập nhật tình hình thời sự để tránh xảy ra những sự việc không đáng có như sự việc trên.
An Hà/Thoidai