Ông Nguyễn Mạnh Dưỡng (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa có Đơn khiếu nại khẩn cấp gửi các cơ quan báo chí vì cho rằng Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc, thành viên của Tập đoàn Đại Phúc) đã tự ý hủy hợp đồng giữa 2 bên và chèn ép hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Khu đô thị Vạn Phúc - nơi xảy ra vụ việc.
Để có thông tin đa chiều, PV đã trao đổi với đại diện của Công ty Vạn Phúc. Theo chia sẻ của Công ty Vạn Phúc, với mong muốn dự án trong Khu nhà ở Vạn Phúc 1 có một cửa hàng kinh doanh thực phẩm tiện lợi, cung cấp thực phẩm tươi sống, đáp ứng bữa ăn hàng ngày cho cư dân, địa ốc Vạn Phúc đã cho ông Dưỡng và bà Đinh Thị Hiền thuê mặt bằng để làm cửa hàng thực phẩm tiện lợi. Trước khi ký hợp đồng, ông Dưỡng và bà Hiền cũng cam kết sẽ thực hiện đúng mục đích thuê.
Hợp đồng thuê nhà có thời hạn 5 năm, trong đó phía Vạn Phúc hỗ trợ cho đối tác bằng cách miễn phí tiền thuê cho ông Dưỡng và bà Hiền trong 2 năm đầu. Ngày 26/6/2017, hai bên chính thức ký hợp đồng số 90/2017/HĐKT/VP-NMD (Hợp đồng 90), theo đó Vạn Phúc đồng ý cho ông Dưỡng và bà Hiền thuê toàn bộ căn nhà cùng tiện tích phía trước với tổng diện tích 915 m2 tại các lô N33, N34, N35, N36, N37, N38 trong Khu nhà ở Vạn Phúc 1.
Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, phía Vạn Phúc cho rằng ông Dưỡng và bà Hiền không thực hiện đúng mục đích thuê. Thứ nhất, theo thỏa thuận tại Điều 1.3 của Hợp đồng 90, mục đích thuê là “Kinh doanh cửa hàng thực phẩm tiện lợi Vạn Phúc, giờ hoạt động 24/24 giờ”. Tuy nhiên, theo thực tế sử dụng và vi bằng Thừa phát lại quận Thủ Đức lập ngày 20/9/2017, bên thuê đã kinh doanh cả đồ uống (quán cafe) và cơm trưa tại mặt bằng thuê.
Ông Dưỡng cho rằng họ được quyền kinh doanh quán cà phê và ăn uống vì trong giấy đăng ký kinh doanh của họ có các ngành nghề kinh doanh như: ăn uống, cà phê, nước giải khát, mua bán bánh kẹo, đường, dầu ăn, rau củ quả, thịt, cá, đồ tươi sống. Về việc này, địa ốc Vạn Phúc cho rằng, theo Quyết định 10/2017/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư thì nếu muốn mở quán cà phê, đồ ăn trưa phải đăng ký các ngành nghề cụ thể như sau: “Dịch vụ phục vụ đồ uống phải đăng ký chi tiết là quán cà phê; Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động thì phải đăng ký chi tiết là quán ăn”.
Do đó, địa ốc Vạn Phúc khẳng định việc ông Dưỡng và bà Hiền kinh doanh quán cà phê và cơm trưa chiếm phần lớn mặt bằng thuê là không đúng với thỏa thuận giữa 2 bên. Ngoài ra, Vạn Phúc cũng cho rằng bên thuê nhà đã kinh doanh một số mặt hàng ngoài thực phẩm như đồ dùng gia đình.
Thứ 2, Điều 5.1 của Hợp đồng 90 thể hiện nghĩa vụ của bên B (bên thuê nhà) là: “Khi cần sửa chữa, cải tạo theo nhu cầu sử dụng riêng sẽ bàn bạc cụ thể với bên A và phải được bên A chấp nhận và tuân theo quy định nhà nước về xây dựng cơ bản...”. Tuy nhiên, ngày 3/10/2017, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM kiểm tra và phát hiện vi phạm về xây dựng tại mặt bằng mà ông Dưỡng đang thuê, cụ thể là mái bạt kéo di động, cột sắt có diện tích 287,69 m2 và phần mái tôn, vách kính diện tích 72,65 m2 do bên thuê tự ý cơi nới để kinh doanh quán cà phê và quán ăn trưa.
“Khi xây dựng bên thuê không bàn bạc và cũng không được chúng tôi chấp nhận. Ngoài ra, qua biên bản kiểm tra cũng thể hiện bên thuê không tuân theo quy định của nhà nước về xây dựng”, đại diện Vạn Phúc cho biết.
Thứ 3, địa ốc Vạn Phúc cho biết bên thuê đã không thực hiện kinh doanh 24/24 giờ như quy định tại Điều 5.1 của hợp đồng 90. Theo Điều 6.5 của Hợp đồng 90 thì khi một bên phát hiện bên còn lại có hành vi vi phạm hợp đồng thì phải có thông báo bằng văn bản và yêu cầu bên kia khắc phục vi phạm đó. Trong thời hạn 30 ngày mà vi phạm không được khắc phục thì bên có quyền lợi bị xâm hại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Ông Dưỡng cho rằng phía Vạn Phúc nhiều lần có hành vi cản trở hoạt động kinh doanh, đuổi họ ra khỏi khu đất đang thuê.
“Ngày 9/10/2017, chúng tôi đã gửi thông báo về những hành vi vi phạm cho ông Dưỡng và bà Hiền. Do bên thuê không khắc phục nên đến ngày 15/11/2017, chúng tôi đã ra thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Theo Điều 6.4 của Hợp đồng 90 thì bên thuê có thời hạn 30 ngày để dọn dẹp, vận chuyển tài sản, trang thiết bị trước khi trả nhà cho Công ty Vạn Phúc. Tuy nhiên, phía ông Dưỡng và bà Hiền không chịu thực hiện và chiếm dụng mặt bằng cho đến nay nên chúng tôi phải sử dụng các biện pháp để đòi lại tài sản của mình”, phía Vạn Phúc chia sẻ.
Đại diện Vạn Phúc cho biết thêm, thời gian trước họ đã nhiều lần gặp ông Dưỡng để giải quyết riêng vì không muốn làm rùm beng mọi chuyện. “Chúng tôi khẳng định không có bên thứ 3 nào vào thuê mặt bằng trên như phản ánh của ông Dưỡng. Vạn Phúc nhiều lần nói với ông Dưỡng, nếu muốn mở quán ăn và quán cà phê thì sẽ cho thuê một khu đất khác trong khu dân cư Vạn Phúc 1 để kinh doanh.
Còn mặt bằng ông Dưỡng đang thuê theo quy hoạch của công ty là cửa hàng thực phẩm tiện lợi, phục vụ cho toàn thể cư dân nên nếu ông Dưỡng không thực hiện được mà còn kinh doanh trái với quy định trong hợp đồng thì bắt buộc phải trả lại để công ty kiếm đối tác phù hợp hơn. Nhưng ông Dưỡng không chịu và yêu cầu chúng tôi phải bồi thường các khoản thiệt hại, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động kinh doanh trong vòng 5 năm mới chịu dời đi, điều này rất vô lý”, đại diện Công ty Vạn Phúc nói.
Về việc một số đối lạ mặt xuất hiện tại nơi cư trú của ông Dưỡng trong Khu đô thị Vạn Phúc 1 và xô xát với người nhà ông Dưỡng, phía Vạn Phúc khẳng định không thực hiện việc này và mong công an sớm tìm ra nhóm người lạ này để làm sáng tỏ mọi việc.
Hiện tại, ông Dưỡng đã làm đơn khởi kiện đến TAND quận Bình Thạnh. Theo đó, nguyên đơn yêu cầu Công ty Vạn Phúc tiếp tục để họ kinh doanh hết 5 năm theo hợp đồng thuê nhà đã ký kết; nếu tiếp tục không thực hiện hợp đồng thì phải đền bù các khoản thiệt hại, bao gồm cả thu nhập dự kiến từ hoạt động kinh doanh trong 5 năm theo hợp đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Khắc Thành
Kinh doanh và Pháp luật