Phân loại
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại nồi cơm điện với nhiều kiểu dáng, xuất xứ
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại nồi cơm điện xuất xứ từ Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… nhưng về cơ bản được phân thành 2 loại chính: nồi cơm điện cơ và nồi cơm kỹ thuật số (nồi cơm điện tử).
Nồi cơm điện cơ là loại nồi có rơ le tự ngắt, xuất hiện trên thị trường từ những ngày đầu, hoạt động dựa trên nguyên lý cơ học, khi nhiệt độ đạt đến mức nhiệt nhất định khoảng 102 độ C thì rơ le này sẽ tự ngắt và chuyển sang chức năng giữ ấm.
Gần đây, ngoài chức năng nấu cơm, nồi cơm điện cơ đã có thêm chức năng nấu cháo, súp, hấp chín hay có thể làm bánh bông lan khá tiện lợi. Do cơ chế hoạt động với 1 mâm nhiệt ở đáy nồi sử dụng công suất điện lớn nên thời gian nấu của nồi cơ nhanh, chỉ khoảng 20 – 30 phút. Giá nồi cơ dao động từ 200.000 –hơn 1 triệu đồng/chiếc, tùy hãng sản xuất và dung tích nồi.
Nồi cơm điện cơ có ưu điểm là giá rẻ, dễ sử dụng
Sự chênh lệch này được lý giải bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là chất liệu của lồng nồi, trong đó lồng nồi bằng nhôm tráng men có giá rẻ hơn cả, thứ 2 là mẫu mã sản phẩm, cuối cùng sản phẩm nhập khẩu phải chịu thuế nên giá cao hơn. Tuy nhiên sản phẩm giá rẻ có thể gặp những vấn đề như: sôi trào ra ngoài khi nấu, lòng nồi nhanh bị trầy xước, cơm chín không đều….
Ngoài ra, nồi cơm điện cơ nấu nhanh nên thoát hơi nước mạnh vì thế luôn có bộ phận khay hứng nước đính kèm. Tuy nhiên cũng loại nồi cơm điện cơ áp dụng cơ chế nấu tương tự nồi điện tử, hơi nước bám trên nắp nồi sẽ được rải đều lên cơm, vì vậy không cần bộ phận hứng nước.
Một số loại nồi cơm điện cơ có nắp kim loại tháo rời rất gọn nhẹ. Tuy nhiên, nhiều người từng sử dụng sản phẩm này cho biết, nồi nắp rời không thể giữ cơm nóng lâu như nắp liền và sau một thời gian sử dụng, cơm chín không đều do phần nắp không đủ kín để giữ nóng như ban đầu.
Nồi cơm kỹ thuật số hay nồi cơm điện tử, có khả năng tự điều chỉnh nhờ một chip điện tử đã được cài đặt sẵn các chương trình nấu nướng. Việc điều chỉnh và cài đặt được hiển thị thông qua một màn hình tinh thể lỏng, do vậy mà ngoài chức năng nấu cơm thì nồi cơm kỹ thuật số có thể dùng để nấu cơm nếp, nấu cháo, làm bánh hay hầm, xào….
Ngoài ra, với những gia đình có giờ giấc sinh hoạt bất thường thì nồi điện tử sẽ trở nên tiện lợi hơn nhờ chế độ đặt hẹn giờ để tự động nấu. Bên cạnh đó, nồi điện tử không có bộ phận hứng nước do hơi nước được điều hòa và sử dụng tối đa. Nấu cơm bằng nồi điện tử sẽ bảo quản tối đa nguồn dinh dưỡng, cơm chín đều và mềm ngon.
Tuy nhiên, nồi cơm kỹ thuật số hiện có giá khá cao, từ trên 1 triệu – trên 4, 5 triệu đồng/chiếc tùy vào chức năng sử dụng.
Cách chọn mua
- Người tiêu dùng nên chọn mua nồi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng làm cơ sở cho việc kiểm tra các tiêu chuẩn của nhà sản xuất gốc: công suất, định lượng, trọng lượng, chứng chỉ, chứng nhận an toàn cho kim loại, men chống dính.... Không nên tin vào tem hợp quy dán trên thân nồi vì tem này có thể làm giả hoặc các trung tâm kiểm định chất lượng cho qua cả những sản phẩm không đạt chất lượng.
- Tùy thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình để lựa chọn nồi theo kích thước, dung tích từ 0,6-1,8 lít thích hợp cho gia đình 1-6 thành viên. Và dĩ nhiên, loại nồi có dung tích lớn sẽ tiêu thụ lượng điện năng cao hơn so với nồi có dung tích nhỏ.
- Trước khi nhận hàng, người mua nên yêu cầu nơi bán cắm điện để xem thử các bóng đèn ở nấc đun có hoạt động tốt không, đáy nồi có bằng phẳng không, phần vỏ bên ngoài có bị trầy xước hay không….
Hoài Anh (T/h)