Một doanh nghiệp tư nhân có số vốn đăng ký đầu tư vẻn vẹn 10 tỷ đồng nhưng được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép lấn hàng chục ha mặt biển vịnh Bái Tử Long. Hậu quả, sau hơn 13 năm triển khai, dự án vẫn chỉ là một bãi đất hoang, bức tử di tích lịch sử, danh thắng Vũng Đục, TP.Cẩm Phả. Dự án này có ai “chống lưng” mà doanh nghiệp lại “giữ đất” được lâu như vậy?
Sau 13 năm, khu đô thị mới phía Tây đường ra cảng Vũng Đục, Cẩm Phả vẫn hoang hóa thế này đây
Ai cũng biết, TP.Cẩm Phả vốn nổi tiếng với khu di tích lịch sử, danh thắng Vũng Đục. Vũng Đục ngoài cảnh quan thiên nhiên ban tặng, nơi đây vào năm 1948 Thực dân Pháp đã dìm chết hàng chục chiến sĩ cách mạng. Năm 1999, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định công nhận Vũng Đục là khu di tích lịch sử cấp tỉnh.
Vào cuối năm 2004, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu dân cư đô thị mới phía Tây đường ra cảng Vũng Đục, thuộc địa bàn phường Cẩm Đông, nay thuộc phường Cẩm Bình. Theo quyết định được phê duyệt này thì, Xí nghiệp sản xuất dịch vụ Hưng Đạo (XN Hưng Đạo) được phép “chuyển vùng đất hiện tại là bãi triều sú vẹt ngập mặn thành khu dân cư đô thị mới”.
Doanh nghiệp tư nhân có vốn 10 tỷ đồng "trúng" dự án tận hơn 35,5 ha làm khu dân cư.
Quy mô dự án được phê duyệt quy hoạch có diện tích 35,540 ha, “phía Bắc giáp khu dân cư đã quy hoạch, phía Nam giáp núi đá Hòn Vọng và giáp vịnh Bái Tử Long, phía Đông giáp dãy nhà dân và đường ra cảng Vũng Đục, phía Tây giáp vịnh Bái Tử Long và khu đất quy hoạch du lịch”.
Theo quan sát của PV vào những ngày cuối tháng Năm, sau hơn 13 năm triển khai thì khu đô thị mới chẳng thấy đâu, tất cả chỉ là một bãi đất hoang, gây ô nhiễm cảnh quan. Bờ Tây của con đường vào Cảng Vũng Đục có hàng chục cơ sở sửa chữa tàu thuyền và là nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão của ngư dân.
Nhiều ngư dân bày với PV trong tâm trạng lo lắng rằng, khi dự án lấn biển tới núi Hòn Vọng thì họ mất đường mưu sinh.
Bí ẩn dự án…
Trái ngược lại với “tốc độ rùa bò” của “Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu dân cư đô thị mới phía Tây đường ra cảng Vũng Đục”, lần theo hồ sơ Dự án, PV không khỏi kinh ngạc về “tốc độ” triển khai văn bản. Ngày 5/3/2004 XN Hưng Đạo có văn bản đề xuất dự án; ngày 11/5/2004 UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn đồng ý; ngày 28/5/2004 UBND tỉnh phê duyệt địa điểm; ngày 12/10/2004 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/1000; ngày 28/12/2004 Ủy ban tỉnh có quyết định phê duyệt Dự án; ngày 26/1/2005 quyết định giao đất cho XN Hưng Đạo được ban hành…
Điều kinh ngạc hơn là theo Giấy chứng nhận ĐKKD của XN Hưng Đạo thì doanh nghiệp này chỉ có vốn đầu tư 10 tỷ đồng. Và theo lô-gic thì một khi không có tiền làm dự án thì đương nhiên phải bán hay liên doanh, hợp tác… Theo điều tra của PV Báo Thời Đại, cuối năm 2009 ông Vũ Thế Tý – Chủ XN Hưng Đạo đã bắt tay “hợp tác” với một cá nhân là bà Lư Thị Thu Huyền (ĐKTT tại Nam Định). Tài liệu PV thu thập được cho thấy, tổng cộng số tiền mặt mà bà Huyền đã trực tiếp giao cho ông Vũ Thế Tý là 1.688 tỷ đồng.
Dự án "trên giấy" đang bức tử khu danh thắng vịnh Bái Tử Long
Theo xác nhận của nhiều cán bộ UBND phường Cẩm Bình và UBND TP.Cẩm Phả, sau khi XN Hưng Đạo “hợp tác” thì toàn bộ việc triển khai Dự án đều do bà Lư Thị Thu Huyền đứng ra thực hiện.
Trong khi đó, theo “Thuyết minh tóm tắt tổng thể dự án” năm 2009 của XN Hưng Đạo thì Dự án có 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai trên diện tích 35,6 ha với tổng số tiền đầu tư là 1.050.000.000.000.000 (một triệu không trăm năm mươi nghìn tỷ đồng); giai đoạn 2 mở rộng với diện tích 3.000 ha với tổng số tiền đầu tư cũng 1 triệu 24 nghìn tỷ đồng.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đây là dự án san lấp biển lấy mặt bằng, câu giờ để chờ mua đi bán lại? Và ai đã “chống lưng” cho một dự án tàn phá thiên nhiên, cảnh quan, di tích lịch sử này?
PV sẽ thông tin tới bạn đọc những diễn biến tiếp theo của Dự án này.
Theo Thời Đại