BaoVietBank sau 3 năm 'ở riêng'

Dù không còn là công ty con, song những lợi thế từ Bảo Việt vẫn rất quan trọng với BaoVietBank. Liệu rằng một vài năm nữa, khi Tập đoàn Bảo Việt phải thoái vốn ngoài ngành, BaoVietBank đã thực sự trưởng thành để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường ngân hàng.

BaoVietBank sau 3 năm 'ở riêng' - Ảnh 1
"Dòng sữa" từ Tập đoàn Bảo Việt vẫn rất quan trọng với BaoVietBank

Ngân hàng kín tiếng

Để hiểu hơn về Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), cần nhắc lại lịch sử thành lập của nhà băng này.

Năm 2008, rộ lên phong trào tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vốn thành lập ngân hàng. LienVietBank (sau này là LienVietPostBank) rồi Tiên Phong Bank (sau này là TPBank) liên tiếp ra đời, với sự tham gia của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), FPT, Mobifone hay Vinare.

Danh sách xin cấp phép thành lập ngân hàng lúc bấy giờ còn 7 cái tên nữa. Tuy nhiên cuối tháng 7 năm đó, Thủ tướng yêu cầu tạm ngừng cấp mới giấy phép hoạt động ngân hàng.

Ngày 11/12/2008, BaoVietBank bước qua "khe cửa hẹp", trở thành ngân hàng cuối cùng được cấp phép, và bởi vậy, cũng là nhà băng non trẻ nhất "làng" buôn tiền ở Việt Nam. Các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Bảo Việt (52%), Vinamilk (8%) và Tập đoàn Công nghệ CMC (9,9%).

Mức góp vốn 52% trên đây là "hiếm có khó tìm", bởi tỷ lệ quá bán này chỉ được thấy ở trường hợp Tập đoàn Dầu khí (PVN) nắm 78% vốn Tổng công ty Tài chính Dầu khí PVFC và 52% vốn của Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank) sau này.

Với vốn điều lệ ban đầu 1.500 tỷ đồng, Tập đoàn Bảo Việt thậm chí còn có thể góp thêm vốn trong trường hợp các cổ đông khác góp thiếu.

Sau gần một thập kỷ thành lập, BaoVietBank ít nhiều gây dựng được tên tuổi đối với khách hàng. Tuy nhiên, trong làng tài chính ngân hàng, nhà băng này lại được biết tới với một hình ảnh có phần kém cởi mở.

Theo quy định, BaoVietBank là công ty đại chúng quy mô lớn và buộc phải công bố thông tin cần thiết cho cổ đông trên website. Dù vậy, khó có thể thể tra cứu được thông tin thuộc diện phải công bố công khai trên website chính thức của BaoVietBank. Trường hợp của BaoVietBank có phần khá tương đồng với Ngân hàng TMCP Bản Việt - đơn vị cũng không công bố ra công chúng các thông tin tài chính cơ bản trên cổng thông tin điện tử.

Đến lúc phải “tự lớn”

Theo một số báo cáo Nhadautu.vn thu thập được, tổng tài sản của BaoVietBank tới cuối năm 2017 là 48.862 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.150 tỷ đồng, thuộc top 10 ngân hàng TMCP chỉ có vốn điều lệ quanh mốc 3.000 - 4.000 tỷ đồng hiện nay.

Sau giai đoạn 2009-2013 hoạt động khá bình lặng, các chỉ tiêu quan trọng của BaoVietBank tăng khá nhanh trong các năm tiếp theo. So với cuối tháng 6/2014, huy động tới cuối năm 2017 tăng 2,2 lần lên 24.065 tỷ đồng; tín dụng tăng 2,4 lần lên 21.600 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư tăng 6,4 lần lên 14.263 tỷ đồng.

BaoVietBank sau 3 năm 'ở riêng' - Ảnh 2

Dù các chỉ tiêu quan trọng tăng mạnh, song hiệu quả kinh doanh của BaoVietBank vẫn ở chưa cao. Đây là thực trạng chung của các ngân hàng có vốn điều lệ quanh quẩn mức pháp định (3.000 tỷ đồng). Nguyên nhân cơ bản là do nguồn lực hạn hẹp gây khó khăn trong việc mua sắm công nghệ, tài sản cố định, mở rộng mạng lưới và đẩy chi phí vốn cao hơn các ngân hàng lớn. Trên thực tế, nhiều ngân hàng nhỏ hiện đã và đang thực hiện tăng vốn để cải thiện năng lực như NCB, VietABank, NamABank, SaigonBank...

Với BaoVietBank, bối cảnh không đơn giản như vậy. Chỉ sau hơn một năm đầu tư, Tập đoàn CMC đầu năm 2010 đã thoái hết vốn khỏi BaoVietBank, với lý do lợi nhuận từ cổ tức không được như mong đợi.

Năm 2012, BaoVietBank mới tăng vốn thành công lên 3.000 tỷ đồng. Tập đoàn Bảo Việt vẫn tiếp tục đầu tư thêm và giữ nguyên cổ phần chi phối 52%, dù tỷ lệ này cao gấp 3 lần quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (tối đa 15%).

Hai năm sau, năm 2014, Tập đoàn Bảo Việt mới thoái nhẹ 2,5%, giảm tỷ lệ sở hữu tại BaoVietBank xuống còn 49,5%, đủ để ghi nhận nhà băng này là công ty liên kết, thay vì công ty con như trước đây.

BaoVietBank sau 3 năm 'ở riêng' - Ảnh 3
Kết quả kinh doanh của BaoVietBank qua các năm. Hai năm 2013, 2014 tính cho nửa đầu năm.
Ngày 14/10/2015, BAOVIET Bank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án phát hành 2.050 tỷ đồng kèm theo chứng quyền và hoàn thành việc tăng vốn tự có lên 5.200 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết đang từng bước triển khai việc tăng vốn để giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Bảo Việt trong giai đoạn 2015-2020 phù hợp với quy định của pháp luật.

Báo cáo tài chính cho thấy số dư tiền gửi, trái phiếu của Tập đoàn Bảo Việt tại BaoVietBank tới cuối năm 2015 là 5.422 tỷ đồng, tăng mạnh lên 7.423 tỷ đồng cuối năm 2016 rồi tiếp tục lên 10.351 tỷ đồng cuối năm 2017, tương đương 43% số dư huy động.

Được biết đến là một ngân hàng có thế mạnh về dòng sản phẩm liên kết Ngân hàng bảo hiểm - Bancassurance, trong vài năm gần đây, BAOVIET Bank đã triển khai mạnh mảng hoạt động ưu thế này. Nhưng như vậy đã đủ để BAOVIET Bank cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường khi Tập đoàn Bảo Việt phải thoái vốn ngoài ngành?

Nguồn: Nhadautu

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục