Dự án Golden Peak Nha Trang
Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ
Trong những năm gần đây, nhờ xây dựng chiến lược đúng đắn và thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank đã liên tiếp để khẳng định vị trí dẫn đầu hệ thống ngân hàng về quy mô lợi nhuận.
Kết thúc năm 2017, hầu hết các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đều tăng trưởng so với năm trước.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng ghi nhận ở mức 29.406 tỷ đồng, tăng trưởng 18,1% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng lần lượt đạt 11.341 tỷ đồng và 9.110 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 32% so với năm trước, đồng thời vượt xa kế hoạch đã được ĐHĐCĐ năm 2017 thông qua.
Bước sang năm 2018, Vietcombank tiếp tục lập kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận với mức tăng trưởng đột biến.
Theo đó, trong Quý I/2018, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 5.856 tỷ đồng, trong đó, 6.197 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2017.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý I/2018 thu về 3.507 tỷ đồng, tăng tới 58,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là con số tuyệt đối cũng như tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay theo quý 1 hàng năm của Vietcombank.
Tính đến ngày 31/3/2018, Vietcombank có tổng tài sản đạt mức 1.003.905 tỷ đồng, giảm 31.388 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 6,29%, lên hơn 577,6 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 3,17%, lên gần 731 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại thời điểm kết thúc Quý I/2018, Vietcombank đang có 7.896 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 27,1% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu tăng ở nợ nhóm 3 gấp hơn 2,9 lần so với đầu năm lên hơn 2.000 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 14%, lên 2.211 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên mức 1,37%, so với mức 1,14% hồi đầu năm.
Bảo lãnh hàng loạt dự án Condotel
Trong vài năm trở lại đây, hoạt động tín dụng của Vietcombank thường xuyên có liên quan đến khoản bảo lãnh cho phân khúc bất động sản condotel. Thậm chí, đây còn là ngân hàng tích cực tham gia hợp tác ba bên giữa chủ đầu tư và khách hàng để kinh doanh condotel.
Cụ thể, tại Phú Quốc, Vietcombank đã và đang triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho khách hàng khi muốn mua căn hộ và biệt thự tại một dự án Sonasea Condotel & Villas do CEO Group làm chủ đầu tư. Với dự án này, Vietcombank hỗ trợ 50% giá trị căn hộ, thời gian tài trợ 15 năm với lãi suất 0% cho đến khi người mua nhận nhà hoàn thiện.
Dự án Sonasea Condotel & Villas Phú Quốc
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, cụ thể là Dự án Pan Pacific Đà Nẵng Resort, chủ đầu tư là CTCP MBLand Tokin Property đã đưa ra cam kết hỗ trợ khách hàng vay tới 70% giá trị căn hộ, biệt thự, tối thiểu trong 5 năm và tối đa 20 năm với phí trả nợ trước hạn trong vòng 12 tháng. Theo đó, khoản hỗ trợ này do ngân hàng MBBank và Vietcombank giúp sức, với mức lãi suất hỗ trợ tối đa là 8%.
Tại Nha Trang, Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang - Chủ đầu tư dự án condotel cao cấp Golden Peak Nha Trang cũng công bố ngân hàng hỗ trợ vay vốn, bảo lãnh của dự án chính là Vietcombank. Đối với dự án Golden Peak Trần Phú, Vietcombank còn hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất thấp đến khi nhận nhà.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng là đơn vị hỗ trợ tài chính tại dự án Gold Coast Nha Trang của chủ đầu tư là CTCP Thanh Yến. Theo đó, Vietcombank sẽ tiến hành hỗ trợ cho các khách hàng mua căn hộ với tổng vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng và sẽ hỗ trợ vốn vay cho toàn bộ các khách hàng có nhu cầu đầu tư dự án này.
Theo thỏa thuận ký kết, Ngân hàng Vietcombank Khánh Hòa sẽ là ngân hàng duy nhất đồng hành cùng dự án Gold Coast Nha Trang của công ty Thanh Yến. Cụ thể, Vietcombank cho phép nhà đầu tư vay tới 70% giá trị căn hộ theo hợp đồng với chính tài sản thế chấp là chính căn hộ đó.
Dự án Gold Coast Nha Trang
Ngoài ra, tại Quảng Ninh, hiện Vietcombank đang triển chương trình hỗ trợ tài chính cho dự án Citadines Condotel Hạ Long do BIM Group làm chủ đầu tư. Theo chính sách, Vietcombank sẽ cho nhà đầu tư vay tối đa 70% giá trị căn hộ với thời gian vay tối đa là 15 năm và áp dụng mức lãi suất 0% trong 2 năm đầu.
Vietcombank được gì?
Sự tăng trưởng quá nóng của phân khúc Condotel không chỉ hấp dẫn đối với nhà đầu tư (từ những ông lớn đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ) mà còn là "miếng bánh thơm" của các ngân hàng. Do vậy, cũng dễ hiểu khi Vietcombank lại đầu tư mạnh cho condotel thông qua hợp tác các bên, vì lĩnh vực này vẫn được định nghĩa là cho vay cá nhân.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, khi đầu tư condotel, khách hàng thường rất quan tâm đến chính sách bán hàng, nhất là sự hỗ trợ từ ngân hàng liên kết. Vì vậy, việc vay vốn ngân hàng để đầu tư như một “bảo hiểm” an toàn trong việc đầu tư.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, sản phẩm condotel vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động tín dụng trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Cụ thể, giới nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra những rủi ro cho cả các nhà đầu tư và ngân hàng khi tham gia vào phân khúc này. Rất nhiều những câu hỏi về condotel, như: Condotel là sản phẩm kinh doanh, dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ hay căn hộ hay hình thức nào thì hợp lý? Luật nào để quản lý loại hình bất động sản này?
Nếu có tranh chấp pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp, ai sẽ đứng ra giải quyết? Tỷ suất lợi nhuận 8 - 12% mỗi năm các chủ đầu tư đưa ra có thật sự là một con số hấp dẫn hay chỉ là "lời hứa gió bay"? Lãi suất một số chủ đầu tư cam kết cho nhà đầu tư thứ cấp là 10 - 15%/năm, lãi suất vay ngân hàng 0% trong từ 10 - 15 hay 25 năm, nhưng nếu chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì ai đứng ra chịu trách nhiệm, ai đứng ra bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ? Lúc đó, ngân hàng liệu có "chết đứng" với khoản bảo lãnh trên?...
Chưa kể, nếu có phát sinh các tình huống bất lợi, như chủ đầu tư không trả đúng lợi nhuận theo cam kết, chủ đầu tư phá sản, chủ đầu tư bán lại dự án cho một chủ đầu tư khác,... thì điều khoản bảo vệ người mua sẽ như thế nào? Khi đó, ngân hàng có thể bị thiệt hại ra sao với những khoản đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng?
Thực tế việc tranh chấp sở hữu căn hộ condotel đã từng diễn ra ở một vài dự án, khi quyền lợi của người mua không được chủ đầu tư thực hiện như cam kết.
Ví như, vụ tranh chấp tại dự án Bavico, Nha Trang (Khánh Hòa) là minh chứng, qua đó cho thấy khả năng chủ đầu tư không thể thực hiện được cam kết lợi nhuận. Đồng thời, là điển hình cho sự thiếu trách nhiệm của chính quyền khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư sai lệch, tạo điều kiện cho chủ đầu tư “lừa” hàng loạt khách hàng.
Chính vì vậy, một khi mọi chuyện đổ vỡ, chủ đầu tư “phủi tay”, thì miếng bánh lợi nhuận sẽ không còn và người lĩnh hậu quả không ai khác chính là nhà đầu tư cá nhân. Còn Ngân hàng sẽ bị mắc kẹt ở giữa. Nếu tình trạng này không nhanh chóng giải quyết, thì có nhiều khả năng những khoản cho vay đó sẽ biến thành nợ kém chất lượng, nợ xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến chính hoạt động tín dụng của Ngân hàng.
Trong khi thị trường condotel đang có xu hướng chững lại, nguồn cung vẫn tiếp tục gia tăng và không ít nhà đầu tư cá nhân đang phải bán lại các khoản đầu tư liên quan đến condotel, thì nguy cơ tăng nợ xấu đối với các ngân hàng mở rộng cho vay, bảo lãnh các dự án condotel là điều khó tránh.
Đầu tư tài chính không hiệu quả!
Theo nguồn tin từ Báo Thanh Niên cho biết, mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã gửi đến Quốc hội kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng lớn, trong đó có Vietcombank.
Cụ thể, "ông lớn" Ngân hàng này được báo cáo nêu thua lỗ nặng trong đầu tư tài chính. Khoản đầu tư gần 205 tỷ đồng (khoảng 9,62 triệu USD) của Vietcombank vào Công ty chuyển tiền Vietcombank đã không mang lại hiệu quả và lỗ 5,34 triệu USD đến cuối 2016. Tương tự, hơn 135 tỷ đồng ngân hàng này rót vào Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank cũng lỗ 12,8 tỷ đồng...
Ngoài ra còn một số khoản đầu tư hiệu quả thấp như: 123,45 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, tỷ lệ cổ tức được chia năm 2016 là 4%; 70,95 tỷ đồng vào Công ty Tài chính Xi măng, năm 2016 không nhận được cổ tức.
Bên cạnh đó, Báo cáo của KTNN cũng cho biết, Vietcombank là một trong những ngân hàng có nhiều diện tích đất chậm triển khai hoặc chưa được sử dụng.
Cụ thể, trong 4 khu đất Vietcombank đang sở hữu thì lô đất rộng 5.054,8m2 có mặt tiền tại đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội được thuê 50 năm kể từ tháng 12/2008 để xây trụ sở tại quận Cầu Giấy vẫn chưa triển khai.
Đồng thời, KTNN cũng chỉ ra một số khoản vay dư nợ cao tiềm ẩn rủi ro của các "ông lớn" ngân hàng. Chẳng hạn, nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào điện thoại vay vốn tại Vietcombank TP HCM từ năm 2011, 2012 quá hạn trả nợ từ năm 2014, dư nợ gốc đến 31/12/2016 là 251,7 tỷ đồng, lãi 85,7 tỷ đồng sử dụng vốn sai mục đích, có dấu hiệu lừa đảo, VCB đang đề nghị Cơ quan an ninh điều tra xử lý.
Về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, KTNN cũng chỉ ra nhiều vấn đề tại Vietcombank. Sau khi kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh tăng dư nợ nhóm 1 là 517 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 2 là 503 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 4 là 17,1 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 5 là 31,3 tỷ đồng… |
Nguồn: VnFinance.vn/Thoidai