Bamboo Airways tìm được nhà đầu tư mới

Nhà đầu tư mới của Bamboo Airways, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần cũng sẽ kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần của hãng để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.

Theo thông tin từ Bamboo Airways cho biết, hãng hàng không này vừa tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (gồm cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan). Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.

Bamboo Airways có nhà đầu tư mới thay ông Trịnh Văn Quyết.
Bamboo Airways có nhà đầu tư mới thay ông Trịnh Văn Quyết.

Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.

Theo CEO Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, hãng bay này đã trải qua thời kỳ rất khó khăn. "Trong thời điểm khó khăn ấy, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty Cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng".

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Sau đó, hãng hàng không tăng vốn điều lệ lên các mức 2.200, 7.000, 10.500… và cuối cùng là 18.500 tỷ đồng kể từ tháng 9/2021. FLC cũng giảm dần sở hữu xuống còn 21,7%.

Trong hai năm đầu hoạt động (2019 – 2020), Bamboo Airways đều có lãi ròng. Đến năm 2021 và 2022, Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động hàng không nên hãng bay thua lỗ nặng.

Nói về Him Lam, theo tìm hiểu, Tập đoàn này được thành lập năm 1994 với vốn điều lệ ban đầu là 300 triệu đồng, đến năm 2010 tăng lên 6.500 tỷ đồng, Him Lam là một trong những Tập đoàn bất động sản nổi danh với nhiều dự án trải dài cả nước. Trước đây, Him Lam gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.

Đầu tư vào hàng loạt dự án, tính đến cuối năm 2021, quy mô tổng tài sản của Him Lam đạt tới 96.599 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng 27.155 tỷ đồng, tương đương 39,1% so với cuối năm 2020.

Đầu tháng 6/2022, trong phiên thảo luận về chủ trương đầu tư đự án Đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài khoảng 112,8 km của Quốc hội, UBND thành phố Hà Nội cho biết cũng đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án, trong đó có Tập đoàn Him Lam.

Trên sàn chứng khoán, Him Lam Land - một đơn vị thành viên của Him Lam đã từng mua vào hơn 21,5% cổ phần của DIC Group (DIG) và thoái ra toàn bộ thu về hàng nghìn tỷ đồng khi cổ phiếu này tăng mạnh.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục