Mỗi người chỉ có 1,7 m2 không gian xanh
Bài toán khó trong quy hoạch đô thị Thủ đô
Thông tin tại buổi hội thảo “Vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội” do Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng 6/5 vừa qua cho biết, hiện tại, diện tích công viên, vườn hoa trong khu vực nội thành Hà Nội trung bình là 2,08m2/người, con số này chiếm gần 2% trong tổng diện tích đất.
Đáng lưu ý, có phường chỉ 30m2 diện tích vui chơi nhưng lại có tới 17.000 dân nhưng. Quận Thanh Xuân gần như không có vườn hoa, công viên; nhiều vườn hoa, sân chơi bị chiếm dụng làm hàng ăn, quán nước, bãi đỗ xe hoặc trở thành bãi đổ rác, chỗ nuôi gà... Nguyên nhân của tình trạng này là do chính quyền địa phương đã buông lỏng trong việc quản lý, nhiều chủ đầu tư chưa có trách nhiệm với xã hội khi chỉ tập trung xây nhà ở mà không quan tâm tới hạ tầng, thậm chí chỉ dành các thửa đất xấu, thừa thẹo để làm sân chơi, vườn hoa...
Bên cạnh đó, tại các chung cư, việc chủ đầu tư “hô biến” diện tích sân chơi thành công trình khác không phải không có Luật pháp xử lý mà do chúng ta buông lỏng quản lý, buông lỏng cả khi thiết kế, phê duyệt và triển khai dự án... Vấn đề vườn hoa, sân chơi ở các khu đô thị, khu dân cư ở Hà Nội đang là điều báo động hiện nay. Nếu như chỉ có số ít khu đô thị được chủ đầu tư chú ý đến các hạng mục công viên, vườn hoa, sân chơi như khu đô thị Ecopark, Ciputra, Royal City, Đặng Xá, Linh Đàm, Vinhomes Long Biên…. thì nhiều khu chung cư lại đang thiếu do chủ đầu tư “phớt lờ”, tự ý “biến” diện tích vốn để làm vườn hoa, sân chơi thành nhà cao tầng hay những công trình khác.
Ngoài ra, nhiều khu chung cư cũ như Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Thanh Xuân… dù có sân chơi nhưng đến nay phần lớn đã xuống cấp, nhất là còn bị thu hẹp lại do sự lấn chiếm của các dịch vụ thương mại, chợ cóc, nơi trông giữ xe máy. Tại Hội thảo “Vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội” con số được nhiều kiến trúc sư đưa ra về hiện trạng bình quân không gian xanh ở Hà Nội mới chỉ là 1,7m2/người. Trong khi đó, quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích bình quân 2,43m2/người.
Trước thực trạng thiếu sân chơi, vườn hoa tại các khu đô thị, trong đó có một phần nguyên nhân do chủ đầu tư tự ý “biến” diện tích vườn hoa, sân chơi thành nhà cao tầng, trao đổi với PV, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tiết lộ giật mình: “Vừa qua, Hội đồng nhân dân và các cơ quan thanh tra vào cuộc kiểm tra hơn 370 dự án được giao đất, nhưng chỉ có 6 dự án triển khai đúng yêu cầu và có tới hơn 10 dự án không tìm được chủ đầu tư là ai… Điều này cho thấy công tác quản lý vừa qua của chúng ta còn lỏng lẻo. Thị trường bất động sản phát triển tràn lan, cứ có quy hoạch đến đâu là được giao dự án đến đấy”.
PV tiếp tục đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta còn thiếu cơ chế “siết” chủ đầu tư nên mới có chuyện một số chủ dự án cố tình “biến” những diện tích đất làm sân chơi vườn hoa thành nhà cao tầng? Ông Nghiêm cho rằng, chúng ta đã có đủ cơ chế, chính sách như xử phạt hành chính, phá dỡ nếu không phù hợp quy hoạch, thu hồi dự án, thậm chí đưa cả yếu tố hình sự khi chủ đầu tư vi phạm.
“Thế nhưng vấn đề ở đây là có phát hiện kịp thời hay không? Có kiên quyết xử lý hay không?... Bên cạnh vấn đề quản lý thì người dân cũng cần phát hiện ra những vấn đề này sẽ tạo được sự trong sạch trong môi trường đầu tư”, ông Nghiêm nói.
Ngoài ra, cũng theo TS Đào Ngọc Nghiêm thì trong quy hoạch đã rõ ràng về cấu trúc của khu chức năng, trong đó có vườn hoa sân chơi, nhưng duyệt quy hoạch lại có quá nhiều cấp thẩm định, vấn đề quản lý thực hiện quy hoạch cũng quá nhiều đơn vị cùng vào cuộc, thậm chí mỗi Sở lại có yêu cầu riêng của mình nữa nên gây ra nhiều phiền hà.
Nhiều khu chung cư không có vườn hoa, sân chơi, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam thì cần đánh giá rõ nguyên nhân vì sao, do thiết kế hay chủ đầu tư không đầu tư, cắt xén khi thực hiện dự án hay tự ý chuyển diện tích sân chơi đó vào xây dựng việc khác để thu lợi nhuận?
“Chúng ta có Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng… đều chỉ đạo công tác quản lý trong thiết kế và xây dựng đô thị. Luật pháp quy định quá rõ ràng nên không có chuyện không có Luật pháp mà do chúng ta buông lỏng công tác quản lý, buông lỏng cả khi thiết kế, phê duyệt và triển khai dự án”, ông Chính nhấn mạnh.
Áp lực tăng dân số
Bà Đinh Thị Tuyết Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình cho biết, dân số tăng quá nhanh trong khi hạ tầng thì gần như không được đầu tư thêm. Điển hình như trạm y tế phường bao nhiêu năm qua vẫn tá túc tạm bợ trong căn nhà chỉ rộng 50m2 đất khá chật hẹp. Trường tiểu học, THCS phải gồng mình lên để gánh thêm lượng học sinh rất lớn. Trụ sở UBND phường cũng khá chật chội. Nhà hội họp ở khu dân cư cũng thiếu trầm trọng.
“Trên địa bàn phường hiện nay không có nơi vui chơi cho trẻ em. Chúng tôi không biết bố trí ở đâu do quỹ đất không được cấp thêm”, bà Dung nói. Tại phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), lãnh đạo UBND phường cho hay là nhiều năm qua con em của người dân trong phường phải đi học “nhờ” vì phường không có trường THCS, trường tiểu học công lập theo quy định!
Tuy nhiên, điều trớ trêu là mặc dù trẻ em thiếu nơi vui chơi nhưng theo phản ánh của UBND phường Thượng Đình, phường Ngã Tư Sở thì vẫn còn một số khu nhà đất thành phố giao cho doanh nghiệp nhưng bị sử dụng trái mục đích, bỏ hoang lãng phí. Điển hình là khu đất rộng tới 5000 m2 thành phố thu hồi đã nhiều năm tại 273 Tây Sơn đến nay vẫn bỏ hoang, cho thuê làm nơi rửa xe, lãng phí.
UBND nhiều phường trong khu vực nội đô cho biết, chỉ trong 5-10 năm trở lại đây, có phường dân số đã tăng thêm cả vạn người. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như đường, trường học, chợ dân sinh gần như không được mở rộng thêm… Dân số tăng nhanh đang gây áp lực không nhỏ trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Infonet, Tiền Phong)