Bài học từ doanh nhân Đặng Thành Tâm

(Kinhdoanhnet) - Từng là người giàu nhất Việt Nam nhưng giờ đây ông Đặng Thành Tâm đang phải loay hoay với những phương án trả nợ trong thời gian tới. Dường như ông đã quá thấm thía bài học về đầu tư dàn trải.

Ông Đặng Thành Tâm từng là doanh nhân giàu nhất Việt Nam khi sở hữu trong tay một loạt các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán có giá trị cổ phiếu cao vào năm 2007-2008. Ông là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của các công ty đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam: Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn.

Tuy nhiên tình hình kinh tế khó khăn và sự tuột dốc của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trong những năm vừa qua đã khiến đại gia này một phen lao đao. Giờ đây với khoản nợ lên tới 3.500 tỷ đồng ông Đặng Thành Tâm đang phải xin lùi thời hạn thanh toán trong bối cảnh không thể vay thêm tiền ngân hàng suốt hai năm qua.

Hành trình trở thành "chúa chổm"

Với xuất phát điểm chỉ là đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp với hai công ty là Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, ông Đặng Thành Tâm đã xây dựng được doanh nghiệp này trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông lần lượt cho các công ty của mình là Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên sàn giao dịch trong các năm 2007 và 2008.

Ngoài ra ông còn thành lập Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SGI) là tập hợp nhiều công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau phát triển đô thị - khu công nghiệp; tài chính-ngân hàng, năng lượng, khoáng sản. Bốn thành viên thuộc SGI đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Kinh Bắc City (KBC), Navibank (NVB), Saigontel (SGT) và Khoáng sản Sài Gòn-Bình Định (SQC).

Việc lấn sân quá sâu sang tài chính đã khiến ông trở thành chúa chổm với những khoản nợ lên tới 500 triệu USD mà ông tuyên bố năm 2012.

Chứng khoán đã từng là bước đột phá đưa ông Đặng Tâm Thành trở thành người giàu nhất Việt Nam năm 2007 tính trên tổng giá trị cổ phiếu đang sở hữu. Đây cũng là nguyên nhân biến ông trở thành con nợ khi cổ phiếu của ông bị trượt giá xuống dưới mức 5.000 đồng. Chính trên lĩnh vực này đã làm cho doanh nhân này lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. Hiện cổ phiếu của KBC của ông dao động quanh mốc 10.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

Đứng trước khoản nợ này ông Đặng Thành Tâm đã phải ngậm ngùi nói rằng “Nghĩ lại, nếu mình chỉ đầu tư khu công nghiệp thôi, chắc không phải đi vay nhiều như thế đâu. Chỉ vì, lúc đó thấy người ta lao vào làm, mình cũng bắt chước làm nên mới nợ nần như thế.”

Bài học từ doanh nhân Đặng Thành Tâm - Ảnh 1
Ông Đặng Thành Tâm đang phải xoay sở để trả nợ

 

Tiếp tục xin giãn nợ 1.000 tỷ từ trái phiếu

Trước những khó khăn trước mắt trong khi thời gian trả nợ đang đến gần ông Đặng Thành Tâm đang phải xin Ngân hàng Nhà nước cho lùi thời hạn thanh toán trái phiếu sang cuối năm 2014. Đồng thời ông cũng cho biết thêm về những khó khăn mà công ty đang gặp phải và những phương án trả nợ và tình hình phát triển công ty trong thời gian tới.

Cũng lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn như bao doanh nghiệp khác trong thời khủng hoảng kinh tế, thị trường chứng khoán trượt dốc, bất động sản đóng băng… nhưng trong 2 năm vừa qua doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm lại không được ngân hàng cho vay tiền. Điều này thật sự đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp đang cần vốn để tái đầu tư để tiếp tục lấy tiền trả nợ.

Ông cũng chia sẻ về việc nếu như trước kia có một số đơn vị rất dễ dàng cho ông vay tiền ngay cả khi chẳng có gì để thế chấp nhưng giờ đây lại ngoảnh mặt dù hiện giờ các khu công nghiệp của ông có lãi và tài sản thế chấp. Nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua có thể là một nguyên nhân khiến các ngân hàng đóng cửa với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng bên cạnh đó những yếu tố về sự cạnh tranh không lành mạnh cũng được ông đưa ra.

Nói về khoản nợ 3.500 tỷ đồng, trong đó có 1.700 tỷ đồng là trái phiếu thì ông chỉ phải trả 1.000 tỷ đồng trái phiếu còn 700 tỷ đồng còn lại nằm ở các đơn vị khác. Nếu chưa thể tái cấu trúc nợ cả hệ thống trong vòng 5-7 năm tới, ông sẽ xin Ngân hàng Nhà nước cho phép trả 1.000 tỷ đồng trước, còn trái phiếu đến hạn vào cuối năm 2014 thì không đòi trước hạn. Như vậy, 800 tỷ đồng còn lại sẽ phải cố gắng trả tiếp nếu có điều kiện.

Ông khẳng định rằng doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng trả nợ miễn là Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ và tất cả doanh nghiệp Việt Nam khác đều được bình đẳng như nhau.

Ông cũng đề xuất phương án toàn bộ trái phiếu của tất cả các doanh nghiệp cũng được tính vào tín dụng và không hồi tố. Tức là, nếu ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp bao nhiêu năm thì không được đòi nợ trước hạn, phải chờ đến ngày đáo hạn trái phiếu mới thu hồi. Như vậy, số trái phiếu các công ty của ông phát hành cũng được đề nghị đến hạn sẽ thanh toán vào cuối năm 2014.

Bên cạnh đó việc đánh giá lại về nợ nhóm cũng cần được xem xét. Vì theo quan điểm của ông thì ngân hàng Navibank không có nhóm khách hàng liên quan đến cá nhân ông. Với số trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng, có 1.000 tỷ đồng là bán cho Ngân hàng Nam Việt (Navibank), nhưng Ngân hàng Nhà nước lại đưa vào nợ nhóm phải thu hồi trước hạn. Hiện tại, theo kết luận thanh tra đối với Navibank và đến nay ông không còn một cổ phần nào ở nhà băng này nữa.

Vì thế ông đã đề xuất Tập đoàn Tân tạo và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn được xem xét không phải là nhóm liên quan và phải được đối xử công bằng như mọi doanh nghiệp khác là được cho vay và giãn nợ để duy trì, củng cố, phát triển hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh việc trả nợ ông cũng đang tập trung vào hoạt động kinh doanh chủ chốt là phát triển khu công nghiệp, thoái vốn khỏi những lĩnh vực không phải thế mạnh và quyết tâm rút chân khỏi đầu tư tài chính.

“Hiện công ty cũng đã họp HĐQT và xin ý kiến cổ đông rất nghiêm túc, nhằm hết sức rút kinh nghiệm những sai lầm vừa qua. Do vậy, phần nào toàn thể vài ngàn cán bộ công nhân viên yên tâm hơn, tập trung vào lao động sản xuất và củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại, cố gắng đóng góp hết sức mình vào sự nghiệp chung của cả nước.” – ông Đặng Thành Tâm chia sẻ.

NQ (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục