Ba tuyên bố về Triều Tiên gây bất ngờ trong một cuộc họp báo của Trump

Trump để ngỏ khả năng mời Kim Jong-un tới Mỹ hay gợi mở về một tương lai "bình thường hóa quan hệ" với Triều Tiên.

Ba tuyên bố về Triều Tiên gây bất ngờ trong một cuộc họp báo của Trump - Ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 7/6. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chiều 7/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nếu cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12/6 ở Singapore được tổ chức một cách suôn sẻ, ông "chắc chắn" không có bất kỳ vấn đề gì với việc tiếp đón lãnh đạo Triều Tiên ở nước mình. Trump thậm chí còn sẵn sàng mời Kim Jong-un tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago do gia đình ông làm chủ ở Florida nếu lãnh đạo Triều Tiên không muốn đến Washington, theo Vox.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố trên của ông chủ Nhà Trắng thực sự gây bất ngờ bởi các lãnh đạo Mỹ từ trước tới nay đều chỉ dành những cuộc tiếp đón tại Nhà Trắng cho các đồng minh và bạn bè quan trọng. Dù vậy, Trump dường như không quan tâm, phát biểu trước các phóng viên, ông cho biết: Điều đó "có thể xảy ra".

Chưa hết, Tổng thống Trump còn nói ông "chắc chắn muốn nhìn thấy Mỹ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên".

"Bình thường hóa" là một thuật ngữ ngoại giao có ý nghĩa rằng hai nước sẽ gửi các nhà ngoại giao đến nước của nhau và bắt đầu phát triển mối quan hệ kinh tế. Họ sẽ cùng hợp tác hiệu quả, hướng tới mục tiêu xây dựng mối quan hệ bình thường, tốt đẹp giữa Washington và Bình Nhưỡng, vốn rơi vào căng thẳng suốt hàng thập kỷ qua.

Giới chuyên gia nhận định một mối quan hệ "bình thường" với Mỹ là điều Triều Tiên luôn mong muốn bởi nó không khác gì sự công nhận đối với Bình Nhưỡng trên trường quốc tế. Ví dụ vào năm 2005, Triều Tiên cũng từng hứa từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa để đổi lại việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng cuối cùng thất hứa.

Một trong những cách giúp Trump cải thiện mối quan hệ với Bình Nhưỡng là ký vào tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên trong cuộc gặp với Kim Jong-un tuần tới.

Nếu không, ít nhất, Trump có thể ký vào một hiệp ước hòa bình với Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng cũng mong muốn. Theo Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Triều Tiên vẫn luôn lo lắng về viễn cảnh Mỹ lật đổ chính quyền Kim Jong-un. Đây dường như là nguyên nhân chính khiến Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa bởi chúng giúp họ đảm bảo thế răn đe cần thiết.

Tại buổi họp báo, Trump còn nêu lên cách mà công chúng và cả giới chức Triều Tiên có thể nhận ra hội nghị thượng đỉnh không thành công: Ông sẽ sử dụng lại cụm từ "gây áp lực tối đa" sau cuộc gặp.

Chính quyền Trump đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên như một phần trong chiến lược "gây áp lực tối đa". Mục tiêu là nhằm kìm hãm Triều Tiên về mặt kinh tế đến lúc nào Kim Jong-un không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Trump ngừng sử dụng cụm từ trên từ tháng trước sau khi tuyên bố hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên vẫn tiếp tục được xúc tiến theo đúng kế hoạch ban đầu, dù Mỹ đến giờ chưa gỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Chưa rõ Trump và Kim Jong-un có thể thống nhất được những điều gì ở Singapore. Đến nay, lãnh đạo Triều Tiên chưa đưa ra quá nhiều lời mời mọc nhưng Tổng thống Mỹ lại đang hăm hở với hàng loạt đề xuất.

Giới phân tích nhận định cuộc họp báo ngày 7/6 là ví dụ rõ nét nhất cho thấy thái độ hòa hoãn của Tổng thống Trump trước Triều Tiên. Ông không những tỏ ra "thân thiện quá đà" với Kim Jong-un mà còn sẵn sàng nhượng bộ, cây bút Alex Ward từ Vox nhận định. Tháng trước, ông chủ Nhà Trắng quyết định giảm bớt quy mô một cuộc tập trận chung với Hàn Quốc chỉ vì Triều Tiên không thích nó.

Trong khi đó, đến giờ, không có dấu hiệu nào về việc Kim Jong-un sẽ thu hẹp đáng kể kho vũ khí hay loại bỏ vật liệu hạt nhân. Lãnh đạo Triều Tiên hôm 24/5 cho phá hủy bãi thử hạt nhân duy nhất được biết đến cùng một bãi thử tên lửa. Tuy nhiên, động thái này chưa chắc đã tác động lớn tới năng lực hạt nhân của nước này, chuyên gia đánh giá.

"Cảm nhận chung là Trump đang đề xuất quá nhiều nhưng không nhận lại được tương xứng. Song tất nhiên, tất cả đều có thể thay đổi sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, chấm dứt lập tức bầu không khí khoan dung hiện nay", Ward bình luận.

Vũ Hoàng/Vnexpress

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục