Ấn tượng sâu sắc về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Đời làm báo, tôi đã nhiều lần được tiếp xúc với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Lần thì đi tháp tùng các đoàn cấp cao của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ thăm hữu nghị các quốc gia ở các châu lục, lần trực tiếp phỏng vấn phục vụ công tác tuyên truyền của báo… Riêng với đồng chí Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Bí thư của Đảng, tôi đã có vinh hạnh nhiều lần được gặp và tiếp xúc với ông. Trong những lần ấy để lại trong tôi những ấn tượng không thể quên. Một trong những lần tiếp xúc với ông là lần ông tiếp chúng tôi trên cương vị là cố vấn Ban Chấp hành TW vào một chiều cuối năm của thập kỷ 90, thế kỷ trước.

Ấn tượng sâu sắc về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - Ảnh 1
Cán bộ, phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật tới thăm và chúc Tết nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Nhớ lại những năm cuối cùng của thập kỷ 80, ông được Đảng tin cậy giao trọng trách giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đất nước bộn bề những khó khăn. Giữa lúc hậu quả cuộc chiến tranh vẫn như vết thương còn hằn sâu trong cơ thể, đất nước nằm trong thế bị bao vây cấm vận, các thế lực thù địch ngày ngày tìm cách “chuyển lửa” về quê nhà nhằm xóa bỏ các thành quả của cách mạng, rồi cuộc khủng hoảng kinh tế như căn bệnh trầm kha và tưởng chừng không có lối thoát. Thêm nữa khi ông nhận chức Tổng Bí thư Đảng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, phong trào cộng sản quốc tế ở vào thế thoái trào. Tình hình đó, hàng ngày, hàng giờ tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên. Là người đứng đầu Đảng, đặt trước ông và Ban Chấp hành Trung ương là làm sao không để Cách mạng ta bị cuốn vào vòng xoáy đó, vượt qua bão to, gió lớn để tiếp tục đưa con thuyền Việt Nam về đích mà Bác Hồ kính yêu đã căn dặn trước lúc người ra đi.

Tại buổi tiếp chúng tôi, vẫn con người ấy, vẫn tấm lòng nhiệt huyết với Đảng, với dân, vẫn tác phong làm việc cầu thị mà cánh báo chí đã được thấy ở ông, ông nhìn thẳng vào chúng tôi, đôi mắt hấp háy nghe một cách chăm chú rồi trả lời:

- Năm 1988, lúc đó đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư, tôi là Thường trực Ban bí thư, sau đó được Đảng phân công làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đúng như các đồng chí nói, đây là thời kỳ nền kinh tế của chúng ta kiệt quế lắm, lạm phát ở tốc độ phi mã. Tôi nhớ lúc đó có một quan chức cấp cao Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sang thăm Việt Nam, gặp tôi và hỏi: “Tình hình này, các ngài giải quyết ra sao?” Tôi hỏi lại: “Các ngài có nhiều kinh nghiệm, các ngài hãy khuyên chúng tôi cần làm gì?”. Họ bảo tôi: “Các ngài phải có trong tay khoảng 3,3 tỷ USD”. Tôi nghĩ, một số tiền lớn như thế, ở vào thời điểm này mình làm sao có được? Rồi tôi hỏi ông ta: “Ngài có giúp chúng tôi được phần nào không?”. Cuối cùng, ông ta trả lời là không. Vậy là, tất cả phải quy ra tiền; phương pháp quan trọng, cơ bản nhất của họ suy cho cùng cũng là tiền. Sau buổi gặp ấy, tôi cứ nghĩ mãi, mình làm cách mạng thì phải dùng phương pháp cách mạng để giải quyết công việc. Tôi nhớ lời Bác dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Dựa vào dân lúc này là cái gì đây? Đó phải chăng là việc phải phát huy, sinh khí nội lực. Kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời hoạt động cách mạng chỉ ra cho tôi thấy khi dựa vào dân phải dùng biện pháp đòn bẩy để khơi dậy khí thế cách mạng và sức mạnh tiềm ẩn trong dân. Đồng chí có biết không? Thời điểm này cả nước đâu đâu cũng thiếu hàng hóa, tôi đề nghị Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích người Việt Nam đi nước ngoài đưa hàng về nước để bán. Người mang hàng về không phải đánh thuế. Nhờ có chính sách đó mà hàng ngoại ùn ùn về, khoảng một năm sau thì hàng hóa bán thoải mái, đặc biệt là thuốc tây. Có năm người mình chuyển về nước với số lượng hàng hóa lên tới hàng trăm triệu USD. Biện pháp thứ 2 là ổn định giá trị đồng tiền. Thời điểm ấy, đồng tiền mỗi ngày mất giá tới 9% trong khi lãi suất tín dụng lại rất thấp, chỉ có 3%. Đọc sách, tôi thấy Mác nói: “Tiền là thước đo giá trị” nên tôi chỉ đạo ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi lên 9%, thậm chí nếu ai gửi thêm 3 tháng nữa thì mỗi tháng được tính thêm 1%. Thế là dân đua nhau gửi tiền vào ngân hàng, đông và nhiều đến mức ngân hàng thu không kịp. Ở cương vị là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng chỉ đạo ngành tài chính không được phát hành thêm tiền, phải thu để chi, còn ngân hàng đi vay để cho vay. Cùng với điều đó, chúng ta cũng ban hành một loạt chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Những biện pháp tổng hợp này đã từng bước khắc phục được nan khan hiếm hàng hóa, nền kinh tế bước đầu nhộn nhịp hơn, lạm phát dần dần hạ nhiệt xuống còn 2 con số, rồi một con số; đời sống người dân được cải thiện. Quỹ tiền tệ quốc tế ngỡ ngàng không hiểu vì sao ta không có 3,3 tỷ USD mà vẫn đạt được thành tựu to lớn ấy.

- Những biện pháp đó chắc phải dựa trên cơ sở khoa học? Chúng tôi hỏi ông.

- Khoa học là chỗ đó, tất cả lại là sự vận dụng tư tưởng của Bác: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong sách của Các Mác và Lênin cũng đề cập đến vấn đề cốt lõi là dựa vào sức mạnh của quần chúng. Nếu quan tâm đúng, đặt lợi ích của dân, của quần chúng lên trên hết thì chắc chắn sẽ giải quyết tốt mọi tình hình. Đây thực sự là biện pháp cách mạng rất khoa học mà Đảng ta đã đúc kết. Tôi lấy thí dụ trong Cách mạng tháng 8/1945, dân ta đang chết đói, ta phát động “phá kho thóc Nhật” thế là dân vùng lên cướp chính quyền. Quan tâm đến lợi ích của dân thì dân mua hàng nước ngoài về giải quyết nạn khan hiếm hàng hóa, chống nạn đầu cơ, dân gửi tiền tiết kiệm giúp cho giảm lạm phát. Nay khẩu hiệu “Xóa đói giảm nghèo” cũng thế, quan tâm lợi ích của dân nghèo, đến lợi ích của đồng bào vùng sâu, vùng xa, chẳng những mỗi năm hàng trăm nghìn gia đình thoát được cảnh nghèo đói mà còn tạo được không khí đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của dân vào Đảng, khiến bầu bạn quốc tế khâm phục. 

- Thưa đồng chí, vậy ở thời điểm Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, lúc ấy với vai trò là Tổng Bí thư, đồng chí cùng Bộ chính trị có những quyết sách gì?

Một lần nữa ông lại nheo nheo mắt khi bất ngờ có vạt nắng từ khu vườn ở Phủ Chủ tịch lọt qua cửa sổ vào nhà. Tiết xuân, nắng ấm làm hồng lên nụ cười của ông. Giọng của ông vang ấm, đầy tự tin:

- Tại Đại hội VII năm 1991 của Đảng, tôi được Đảng giao nhiệm vụ là Tổng Bí thư. Rất may là lúc ấy nền kinh tế của chúng ta ổn định một bước. Nhưng thật không ngờ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bộ Chính trị họp và nhận định tình hình, kịp thời đề ra giải pháp. Bộ Chính trị đánh giá nguyên nhân của sự sụp đổ ấy ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là do Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước XHCN anh em đã mắc khá nhiều sai lầm, các thế lực phản động có đánh phá, nhưng sự sụp đổ là nguyên nhân chủ quan, nhất là sai lầm về tổ chức, về sắp xếp, bố trí cán bộ ở các vị trí chủ chốt. Từ đó, Đảng ta khẳng định kiên định đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong cơn bão táp chính trị này, chúng ta lại dựa vào dân. Dân ta là dân cách mạng, hết lòng tin yêu Đảng, sau chiến tranh hy sinh mất mát quá lớn. Dân muốn ổn định, hòa bình để làm ăn. Vì thế, chúng ta phải giải thích cho dân. Dân ủng hộ Đảng, kiên định đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Và cũng chính trong thời điểm nhạy cảm đó thể hiện bản lĩnh của Đảng ta. Chúng ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới và dành được nhiều thành tựu, minh chứng cho thế giới thấy về một Việt Nam yêu hòa bình và nguyện làm bạn với các nước trên hành tinh. Kết quả là chúng ta đã phá được thế bao vây, cấm vận, từng bước đưa nền kinh tế hội nhập với khu vực và trên thế giới, khơi nguồn vốn từ bên ngoài, tuôn chảy vào nước ta. Từ chỗ hàng năm phải nhập lương thực, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm. Uy tín Việt Nam tăng mạnh trong cộng đồng quốc tế.

Giờ đây nhìn lại, có lẽ cần phải nói ngay rằng, ở thời điểm vô cùng nhạy cảm đó, vai trò của Tổng bí thư Đỗ Mười và tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc trong toàn Đảng, toàn dân. May mắn hôm ấy, chúng tôi được tiếp xúc với ông trong một không gian hẹp của phòng khách, nhìn dáng ông ngồi, hai cánh tay ông lúc đưa lên, đưa xuống khi đề cập đến vấn đề quyết liệt, bỗng thấy ông thật gần gũi, vẻ vững chãi ở người chèo lái không gì lay chuyển nổi. Cũng chính ông là người phát biểu câu nói nổi tiếng sau khi kết thúc Đại hội VII của Đảng: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Sau này chính ông cũng là người kêu gọi đoàn kết dân tộc “xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, đoàn kết để xây dựng đất nước”. Với giới báo chí, hồi còn đương nhiệm, ông luôn dành sự quan tâm đến các công việc của nhà báo. Dường như Hội báo xuân nào ông cũng đến chia vui với anh em báo chí. Trong cương vị Tổng Bí thư của Đảng, mặc dù bận rộn với bao công việc, thi thoảng ông vẫn đến thăm, nói chuyện tại cuộc họp giao ban hàng tuần ở Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương. Hôm tiếp chúng tôi, ông đứng dậy tìm quyển sách vừa đọc rồi đưa chúng tôi xem rồi nói:

- Đây các đồng chí xem. Ngày nào tôi cũng làm việc một buổi. Đêm nào tôi cũng đọc sách. Đây, tôi đã đọc gần xong 3 tập bộ sách về Cách mạng văn hóa Trung Quốc. Tôi vừa mua hết 100.000 đồng tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI vừa rồi. Hay lắm! Còn cuốn này nữa… Tôi giới thiệu để các đồng chí tìm đọc nhé. Đây là tập “Chủ nghĩa tư bản trong thời đại toàn cầu hóa”, bình luận của một số học giả cánh tả phương Tây. Cuốn này hay lắm, nếu đọc có vấn đề gì, tôi với các đồng chí trao đổi.

Ngừng một lát, ông lại nói:

- Tôi nghiên cứu cuốn này để lý giải một điều, cơ chế kinh tế thị trường có định hướng XHCN ở Việt Nam, bên cạnh những thành tựu lớn mà chúng ta giành được cũng bộc lộ nhiều tiêu cực. Lòng tôi phấn khởi nhiều lắm, nhưng vẫn còn nhiều điều đáng lo. Tình hình đất nước chắc các đồng chí đều biết rõ cả đấy: nhiều vấn đề hiện đang xuống cấp, suy thoái… Đây là điều rất đáng lo ngại. Các thế lực thù địch đang tấn công chúng ta. Chúng muốn làm chúng ta suy thoái để tự đổ vỡ. Nhưng chúng ta tự đổi mới, tự hoàn thiện thì sẽ không sợ.

Ông dừng lại, bảo thư ký rút một văn bản vừa đánh máy ra. Thật may mắn của cuộc đời làm báo như chúng tôi được ông đọc cho nghe văn bản của ông vừa góp ý với Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương về công tác xây dựng Đảng, về tình hình đất nước. Ông đưa ngón tay trỏ dò theo các dòng chữ vi tính, không cần kính, giọng ông vẫn sang sảng, lời văn khúc chiết, sáng rõ, đầy tâm huyết… Chúng tôi ngồi nghe, càng nghe càng thấy xúc động một niềm hạnh phúc lớn, bởi chúng ta đã và đang có một thế hệ bậc cha anh, những cán bộ lão thành cách mạng như đồng chí Đỗ Mười vẫn ngày đêm chong đèn lo việc nước.

Giờ đây, ông đã đi về cõi vĩnh hằng, nhớ về ông, vĩnh biệt ông – Người cộng sản mẫu mực và trung kiên đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. 

Lưu Vinh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục