ABBank có 2 đợt tăng vốn điều lệ lớn nhất sau hơn một thập kỷ

Tính riêng năm 2022, ABBank triển khai tăng vốn điều lệ 2 lần, tăng tổng cộng 3.430 tỷ đồng và là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010.

HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) vừa công bố nghị quyết sửa đổi, bổ sung phương án tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, HĐQT ABBank đã cập nhật thông tin, số liệu về nguồn vốn phát hành cổ phiếu chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

ABBank có 2 đợt tăng vốn điều lệ lớn nhất sau hơn một thập kỷ - Ảnh 1

Theo báo cáo tài chính kiểm toán riêng lẻ, tại ngày 31/12/2021, lợi nhuận chưa phân phối của ABBank là 3.648 tỷ đồng. Sau đó, ABBank đã thực hiện trích lập bổ sung các quỹ theo quy định và chia cổ tức.

Cụ thể, ngày 11/02/2022, ABBank hoàn thành phát hành gần 244 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (trong đó có 225,6 triệu cổ phần từ lợi nhuận chưa phân phối). Từ đó, vốn điều lệ của nhà băng này tăng từ 6.970 tỷ đồng lên 9.409 tỷ đồng.

Như vậy, nguồn vốn còn lại có thể tiếp tục sử dụng để chia cổ tức là 1.360 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ) và 1.378 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính hợp nhất). Nguồn để thực hiện tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, không vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên cả báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ 2021 đã được kiểm toán.

Về phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2022, ABBank dự kiến phát hành hơn 94 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỉ lệ 10%. Theo đó, tại thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ tức, cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu sẽ nhận được 10 cổ phiếu là cổ tức.

Nguồn vốn thực hiện chia cổ tức sẽ từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, sau khi đã sử dụng một phần để phát hành cổ phiếu thưởng 35% vào ngày 11/02/2022.

Đồng thời, ABBank dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) trong quý IV/2022, sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Cổ đông sở hữu cổ phần có tỉ lệ từ 5% trở lên so với vốn cổ phần có quyền biểu quyết thời điểm hiện tại và dự kiến sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức vẫn gồm 3 cổ đông: Malayan Banking Berhad (Maybank) (16,32%), Tập đoàn Geleximco - CTCP (12,72%) và International Finance Corporation (Tổ chức Quốc tế tài chính IFC) (8,16%).

Theo số liệu ngày 24/3/2022, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trước thời điểm phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP là 24,6% và dự kiến sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình này là 24,48%.

Nếu 2 đợt phát hành trên thành công, vốn điều lệ của ABBank sẽ được nâng từ mức 9.409 tỷ đồng lên 10.400 tỷ đồng. 

ABBank có 2 đợt tăng vốn điều lệ lớn nhất sau hơn một thập kỷ - Ảnh 2

Số vốn tăng thêm dự kiến được ABBank bổ sung quy mô vốn hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng như cho vay, đầu tư các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ nhằm đầu tư, phát triển công nghệ, bảo đảm nguồn lực để thực hiện mục tiêu kế hoạch trung hạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, cũng như thực hiện chuyển đổi số và kinh doanh nền tảng số.

ABBank có tiền thân là Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Nông thôn An Bình được thành lập vào năm 1993. Tính riêng năm 2022, ngân hàng đã tăng vốn điều lệ 2 lần, tăng tổng cộng 3.430 tỷ đồng và là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, sau đợt tăng vốn này, mức vốn của nhà băng này vẫn thuộc top các ngân hàng thấp nhất trên thị trường.

Lê Thanh Hồng

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục