37 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,6 tỷ USD tại Hà Nội đang đắp chiếu.
Trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, TPHCM là tỉnh thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong lĩnh vực này với hơn 190 dự án và 13,4 tỉ USD vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với 92 dự án và 8 tỉ USD vốn đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với 10 dự án và 6,1 tỉ USD vốn đầu tư.
Theo các chuyên gia, năm 2015, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi thị trường này có sự tăng trưởng khá tốt và đang trên đà phục hồi, trong đó địa bàn TPHCM đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn đầu tư với khối ngoại.
Tuy nhiên, tại Hà Nội hiện có đến 37 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,6 tỷ USD đang triển khai chậm trễ. Đơn cử như được cấp giấy phép đầu tư từ năm 1998, song phải đến 10 năm sau, dự án của Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội mới được cấp giấy phép xây dựng. Nguyên nhân là do hoạt động giải phóng mặt bằng mất tới chục năm. Theo bà Nguyễn Thị Giáng Hương - Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội, hiện DN đang triển khai việc xin thêm khu đất bên cạnh bệnh viện, được thành phố cho phép triển khai và UBND Quận Cầu giấy thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng trong suốt 5 năm nay. Song do có những hộ dân phản đối, lại nằm dưới hành lang lưới điện, việc giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương không mạnh mẽ, nên dự án mở rộng “dậm chân tại chỗ”, khiến cho hiệu quả hoạt động của DN bị hạn chế do chỉ hoạt động trong diện tích 8.500m2 với 500 giường bệnh, dự án đầu tư bệnh viên 11 tầng cũng có nguy cơ chậm tiến độ, phải lùi lại đến năm 2016.
Một số nhà đầu tư khác có các dự án bất động sản cũng bị chậm tiến độ vì vấn đề giải phóng mặt bằng và quy hoạch. Khu đô thị chức năng Noble Vân Trì (Đông Anh- Hà Nội) hiện đang khai thác khu đô thị chức năng ngay cạnh sân golf Vân Trì đã đi vào vận hành từ năm 2007, song do phải chờ quy hoạch tổng thể được phê duyệt nên dự án đã bị chậm tiến độ. Kéo theo đó, hàng loạt các dự án án đi theo cũng nằm trong khu độ thị cũng bị “ách” lại như dự án nhà ở xã hội, trường học quốc tế… dù đã được phê duyệt từ năm 2014 song do những vướng mắc về sử dụng đất, nên xin giấy phép xây dựng chưa được phê duyệt.
Hoặc với dự án Tây Hồ Tây của Cty Trách nhiệm hữu hạn Tây Hồ Tây, tiến độ kinh doanh của dự án đã bị trì hoãn trong suốt 4 năm nay, chủ yếu là do những vấn đề giải phóng mặt bằng, khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến độ kinh doanh...
Thê thảm nhất có thể kể đến Dự án Chung cư quốc tế Booyoung cũng của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Dù gần chục năm đã trôi qua kể từ ngày cấp phép, Booyoung vẫn chỉ hào nhoáng trên... giấy. Tổ hợp căn hộ chung cư Daewoo Cleve của các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chỉ là khối bê tông xám xịt với những cọc sắt hoen gỉ trơ gan cùng tuế nguyệt suốt mấy năm qua.
Cũng trong tình cảnh tương tự là Dự án Chung cư quốc tế Booyoung cũng của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Dù gần chục năm đã trôi qua kể từ ngày cấp phép, Booyoung vẫn chỉ hào nhoáng trên giấy, còn khu đất dành cho Dự án vẫn để cỏ mọc. Những nghịch cảnh trên là hệ quả tất yếu của thời kỳ thị trường bất động sản chuyển từ trạng thái phát triển nóng sang khủng hoảng. Giai đoạn thị trường bùng nổ 2007-2009 cũng là lúc dòng vốn đầu tư nước ngoài ào ạt chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong số đó, có không ít dự án chỉ là bánh vẽ.
Hà Nội đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP HCM. Đầu tư của khối Doanh nghiệp FDI hiện đóng góp khoảng 15% trong tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Các dự án FDI hiện nay chủ yếu là các dự án sử dụng đất trên địa bàn TP (khoảng 1.600 ha). Tuy nhiên, việc triển khai chậm các dự án gây ra những thất thoát, lãng phí không nhỏ, đồng thời làm cho công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định, thời hạn từ nay đến ngày 30/5, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Ban Giải phóng mặt bằng, các quận, huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, rà soát quy hoạch, đưa ra các điều chỉnh, phải có phương án báo cáo UBND TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, với những tồn tại về quy hoạch và giải phóng mặt bằng - những vấn đề được xem là không dễ giải quyết, liệu Hà Nội có đưa ra được phương án đủ khả thi để gỡ vướng cho DN FDI, nhất là trong khoảng thời gian không nhiều từ nay đến 30/5?
Căn cứ vào Báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài vào kinh doanh bất động sản Việt Nam vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thì đến nay đã có 475 dự án của khối doanh nghiệp FDI đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 48,4 tỉ USD, chiếm 2,5% tổng số dự án và 19% tổng vốn đầu tư của cả nước và đứng thứ hai về ngành lĩnh vực thu hút FDI. Quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 106 triệu USD.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015 là năm nhiều chính sách kinh tế mới theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn chính thức có hiệu lực, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... trong đó có các quy định nới lỏng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Cơ hội sẽ càng mở ra nhiều hơn khi thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia vào Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương cũng như các khối thương mại tự do.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, DDDN)