Nhiều khởi sắc trong 6 tháng đầu năm
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản. Tính đến ngày 30/6/2016, đối với 169 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 73/169 văn bản (41 Nghị định, Quyết định; 28 Thông tư và 04 Thông tư liên tịch), đạt 43,19%. Bộ đã thẩm định 151 dự thảo VBQPPL, 61 điều ước quốc tế; góp ý 447 dự thảo văn bản, trong đó có 163 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; hoàn thành thẩm định đối với 50/50 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, qua đó đã đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo
Công tác thi hành án dân sự 8 tháng đầu năm 2016 (từ 01/10/2015 đến hết ngày 31/5/2016) đạt kết quả đáng ghi nhận, về việc: đã giải quyết xong 296.041 việc trong số có điều kiện thi hành (tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỉ lệ 56,22% (tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2015); về tiền: đã giải quyết xong trên 14.083 tỷ 361 triệu đồng trong số có điều kiện thi hành (tăng 26,92% so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỉ lệ 14,00% (tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2015). Các mặt công tác khác cũng có nhiều khởi sắc.
Thông tin tới các cơ quan báo chí về Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết: Xuất phát từ đặc thù của việc thi hành án hành chính, Nghị định quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành chính theo cơ chế “tự thi hành án” mà không thông qua một chủ thể thứ ba tổ chức thi hành án độc lập như trong THADS. Theo đó, Nghị định có các quy định chung về trình tự, thủ tục thi hành án, như: Quy định về tự nguyện thi hành án; yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án; thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi có quyết định buộc thi hành án; chỉ đạo, đôn đốc thi hành án; theo dõi việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh quy định chung về trình tự thủ tục thi hành án, Nghị định cũng quy định việc thi hành án trong những trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 311 của Luật tố tụng hành chính.
Để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thi hành án hành chính, Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án hành chính; báo cáo, đề xuất trong trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm và tăng cường quản lý công tác thi hành án hành chính trên thực tế, khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm, hạn chế hiệu quả quản lý công tác thi hành án hành chính hiện nay.
6 tháng cuối năm giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2016 của ngành Tư Pháp:
Tập trung xây dựng dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Đăng ký tài sản.
Đẩy mạnh công tác THADS, giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”.
Trình Quốc hội Báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)….
Trang Nhi