10 cách thế giới thay đổi mãi mãi vì Covid-19

Các cú sốc kinh tế như đại dịch Covid-19 là sự kiện trăm năm mới có 1 lần, tuy nhiên chúng lại đem đến những thay đổi sâu rộng và vĩnh viễn.

Các cú sốc kinh tế như đại dịch Covid-19 là sự kiện trăm năm mới có 1 lần, tuy nhiên chúng lại đem đến những thay đổi sâu rộng và vĩnh viễn.

10 cách thế giới thay đổi mãi mãi vì Covid-19 - Ảnh 1

Nếu tính theo các chỉ số GDP, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục từ cú sụt giảm có mức độ nghiêm trọng lớn đến mức gần như không ai trong số 7,7 tỷ người đang sinh sống trên trái đất này đã từng được chứng kiến trong cuộc đời. Vaccine có thể thúc đẩy quá trình hồi phục trong năm 2021, nhưng những tác động của Covid-19 sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.

Đến giờ chúng ta đã có thể cảm nhận rõ nét một số xu hướng. Việc robot chiếm lấy các nhà máy và các công việc trong ngành dịch vụ sẽ diễn ra nhanh hơn, trong khi các "công nhân cổ cồn trắng" sẽ tiếp tục làm việc từ xa. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau cũng sẽ tăng lên. Các chính phủ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống của người dân nhờ những gói cứu trợ khẩn cấp.

1/ Chính sách tiền tệ lỏng hơn nữa?

Covid-19 khiến các NHTW phải quay trở lại in tiền điên cuồng. Lãi suất liên tiếp phá đáy. Các gói nới lỏng định lượng được tung ra và mở rộng.

10 cách thế giới thay đổi mãi mãi vì Covid-19 - Ảnh 2

Tất cả các biện pháp can thiệp chính sách tiền tệ đã tạo ra cơn sốt đầu cơ trên thị trường tài chính – điều khiến rất nhiều chuyên gia phân tích lo ngại về rủi ro đạo đức. Tuy nhiên các chính sách mà NHTW đã áp dụng khó có thể đảo ngược, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bị đứt đoạn và các công ty tiếp tục tiết kiệm thay vì đầu tư.

Lịch sử cho thấy đại dịch sẽ khiến lãi suất giữ ở mức thấp trong 1 thời gian dài. Khoảng 25 năm sau, lãi suất vẫn ở mức thấp hơn khoảng 1,5 điểm phần trăm so với mức nếu không có dịch bệnh.

2/ Nợ và các "công ty xác sống"

Tín dụng mà các chính phủ cung cấp giống như "phao cứu sinh" mà các doanh nghiệp vội vã nắm lấy trong thời dịch bệnh. Tuy nhiên hệ quả là nợ doanh nghiệp tăng cao trên khắp thế giới. BIS tính toán rằng các công ty phi tài chính trên toàn thế giới đã vay mượn ròng 3.360 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020.

Với nhiều ngành chứng kiến doanh thu lao dốc vì các lệnh phong tỏa hoặc vì sự thận trọng của người tiêu dùng và rất nhiều công ty thua lỗ nặng, thế giới đang đứng trước 1 cuộc khủng hoảng doanh nghiệp vỡ nợ trên quy mô lớn.

10 cách thế giới thay đổi mãi mãi vì Covid-19 - Ảnh 3

Ngoài ra một số người còn nhìn thấy mối nguy hiểm khi cung cấp quá nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp mà thiếu sự quản lý chặt chẽ. Đó chính là công thức để tạo ra các "công ty xác sống" không thể tồn tại trong 1 thị trường tự do và chỉ có thể sống nhờ vào các gói cứu trợ - điều khiến toàn bộ nền kinh tế trở nên yếu ớt.

3/ Sự chia rẽ sâu sắc

Có lẽ cuộc tranh luận về gói cứu trợ chỉ là đặc quyền của giới nhà giàu. Các nước nghèo thiếu đi nguồn lực để bảo vệ việc làm và các doanh nghiệp của họ, hoặc đầu tư vào vaccine. Họ cũng phải thắt lưng buộc bụng sớm hơn hay đối mặt với những cuộc khủng hoảng tiền tệ và bị rút vốn ồ ạt.

Ngân hàng thế giới cảnh báo đại dịch đang sản sinh ra 1 thế hệ nghèo đói mới và cuộc khủng hoảng nợ. IMF cũng cảnh báo các nước đang phát triển có thể bị kéo lùi 1 thập kỷ.

4/ Đà phục hồi hình chữ K

Các công việc mang lại thu nhập thấp trong ngành dịch vụ có nguy cơ biến mất đầu tiên khi các nền kinh tế bị phong tỏa. Và các thị trường tài chính, nơi tài sản chủ yếu được sở hữu bởi giới nhà giàu, đã hồi phục nhanh hơn rất nhiều so với thị trường việc làm.

Tình trạng này được gọi là "hồi phục hình chữ K". Virus khiến khoảng cách giàu nghèo tăng lên nhanh chóng.

Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn một phần không chỉ bởi vì họ làm việc trong các ngành bị tác động nhiều hơn mà còn bởi họ có thêm những gánh nặng như chăm sóc con trẻ khi trường học đóng cửa. Ở Canada, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980.

5/ Sự trỗi dậy của robot

Covid-19 làm dấy lên nỗi lo ngại về sự tiếp xúc vật lý trong các ngành đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội như bán lẻ, dịch vụ lưu trú và dịch vụ kho bãi. Và 1 giải pháp là thay thế con người bằng robot.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tự động hóa thường tăng tốc trong suy thoái. Trong đại dịch, các công ty đẩy nhanh việc sử dụng các phần mềm giúp khách tự check in vào khách sạn, máy móc cắt salad trong nhà hàng hoặc tự động thu phí tại các trạm dừng. Tại các cửa hàng bán lẻ thì doanh số trực tuyến tăng đột biến.

10 cách thế giới thay đổi mãi mãi vì Covid-19 - Ảnh 4

Sự dịch chuyển này giúp tăng hiệu suất của nền kinh tế. Tuy nhiên cũng đồng nghĩa khi dịch bệnh đã qua đi, một số công việc vẫn không thể trở lại. Và khi mọi người thất nghiệp càng lâu thì các kỹ năng của họ càng dễ hao mòn.

6/ Làm việc từ xa

Càng ở mức cao hơn trên bậc thang thu nhập thì làm việc từ xa càng trở nên phổ biến. 1 nghiên cứu cho thấy trong tháng 5, 2/3 GDP của nước Mỹ được tạo ra bởi những người làm việc từ xa. Nhiều công ty yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà cho đến tận cuối năm 2021, và không ít dự đoán chế độ làm việc linh hoạt sẽ phổ biến hơn.

Có thể nói quy trình làm việc tại nhà đã vượt qua được bài kiểm tra về công nghệ, đem đến cho chủ sử dụng lao động cũng như người lao động nhiều lựa chọn mới. Nhưng đây cũng là mối lo ngại đối với các ngành kinh doanh đang cung cấp dịch vụ cho mô hình văn phòng truyền thống, từ các công ty bất động sản cho đến ngành thực phẩm và vận tải. Mặt khác, đây là cơ hội vàng đối với một số ngành, tiêu biểu như ứng dụng họp trực tuyến Zoom. Cổ phiếu Zoom đã tăng hơn 6 lần kể từ đầu năm đến nay.

Ở một số nơi, xu hướng làm việc từ xa cùng với nỗi sợ virus đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển về các vùng ngoại ô, dẫn đến giá bất động sản ở khu vực ngoại ô và nông thôn tăng mạnh.

7/ Ngành du lịch ra sao khi mọi người đều ở trong nhà?

10 cách thế giới thay đổi mãi mãi vì Covid-19 - Ảnh 5

Một số loại hình du lịch gần như đã bị đóng băng. Theo số liệu của UN, lượng khách du lịch trên toàn thế giới đã giảm 72% trong 10 tháng đầu năm. McKinsey ước tính 25% chuyến công tác sẽ biến mất mãi mãi vì các cuộc họp trực tuyến.

Với các kỳ nghỉ dưỡng bị đảo lộn và những sự kiện tập trung đông người như các lễ hội và buổi hòa nhạc đều bị hoãn, xu hướng người tiêu dùng chuộng "trải nghiệm" hơn là hàng hóa vật chất đã bị gián đoạn. Và khi các hoạt động trở lại bình thường, câu chuyện cũng sẽ biến đổi, không còn như cũ. Các du khách bắt buộc phải mang theo giấy chứng nhận y tế và đi qua nhiều lớp an ninh.

8/ Bức tranh khác về toàn cầu hóa

Khi các nhà máy của Trung Quốc đóng cửa ở thời kỳ đầu dịch, chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã trải qua 1 cú sốc lớn, khiến các doanh nghiệp và chính phủ các nước phải xem xét lại việc phụ thuộc vào "công xưởng thế giới".

Ví dụ, NA-KD.com, 1 công ty ở Thụy Điển, đã chuyển một phần hoạt động tại Trung Quốc sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các đơn hàng bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Đó là ví dụ cho thấy toàn cầu hóa điều chỉnh theo thời cuộc thay vì co hẹp. Trong các lĩnh vực khác, đại dịch củng cố lập luận của một số chính trị gia rằng an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa nếu quá phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu – ví dụ như trường hợp máy thở và khẩu trang.

9/ Công cuộc "xanh hóa"

Trước dịch, chủ yếu là các nhà môi trường học lớn tiếng về các học thuyết cho rằng sự trỗi dậy của xe điện có thể khiến nhu cầu về dầu mỏ - một trong những nhiên liệu hóa học gây ô nhiễm nhất – sụt giảm mạnh.

Nhưng đến năm 2020, khi những chiếc máy bay phải "nằm im" và mọi người phải ở trong nhà, kể cả những ông lớn dầu mỏ như BP cũng cảm nhận được mối đe dọa từ 1 thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện biến đổi khí hậu.

Các chính phủ đều đã đồng loạt công bố kế hoạch đến khoảng năm 2035 sẽ cấm bán xe chạy bằng xăng và diesel. Và Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng cam kết nước Mỹ sẽ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

10/ Chính phủ lớn

Để hỗ trợ nền kinh tế, chính phủ các nước đã tung ra những gói cứu trợ khổng lồ, trả tiền lương cho người lao động khi những ông chủ của họ không thể. Ở những quốc gia nơi các ý tưởng về thị trường tự do đã chiếm ưu thế suốt mấy thập kỷ, mạng lưới an sinh xã hội đang bị xé toạc.

Để chi trả cho những gói cứu trợ, tổng cộng các chính phủ trên toàn thế giới đã lâm vào thâm hụt ngân sách lên tới 11 nghìn tỷ USD trong năm 2020, theo công ty tư vấn McKinsey. Hiện cũng đã nổi lên cuộc tranh luận về việc các chính phủ có thể mạnh tay chi tiêu trong bao lâu nữa, và khi nào thì người nộp thuế sẽ phải bắt đầu chi trả. Ít nhất thì ở những nền kinh tế phát triển, lãi suất siêu thấp và các thị trường tài chính đang yên ổn cho thấy chúng ta không phải đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng trong tương lai gần.

10 cách thế giới thay đổi mãi mãi vì Covid-19 - Ảnh 6

Về dài hạn, giới kinh tế đang suy nghĩ lại về nợ công. Nổi lên suy nghĩ cho rằng các chính phủ có nhiều dư địa để chi tiêu hơn trong 1 thế giới lạm phát thấp, và nên sử dụng chính sách tài khóa một cách tích cực hơn để điều hành nền kinh tế.

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục