Sai phạm đã rõ như ban ngày, sao không xử lý?
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trọng Dũng, thương binh, hiện đang sống tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. "Tôi đã từng đọc nhiều bài viết của nhà báo Dương Chí Sỹ, đã từng sống và làm việc với ông, thật sự ông là một con người tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề. Các bài viết của ông chủ yếu ca ngợi gương người tốt, việc tốt trên mảnh đất Hà Tĩnh, mảnh đất mưa ít, nắng và gió lào nhiều, nhưng con người nơi đây đã đương đầu với thiên nhiên để có cuộc sống ấm no trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Là một nhà báo đa cảm, có tố chất văn học, tâm hồn đẹp và cao thượng… Vì thế tôi thật sự bất ngờ khi đọc các thông tin trên báo, khi nhà báo bị Tổng biên tập treo bút 6 tháng chỉ vì ông đã phát hiện ra những sai phạm của ông Hiệu trưởng trường tiểu học Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh và đã dũng cảm tố cáo những sai phạm đó lên Sở giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh. Sở giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo cho thanh tra phòng giáo dục và đào tạo huyện Can Lộc kịp thời thanh tra tìm ra 3 vấn đề sai phạm của ông Nguyễn Tiến Hùng - Hiệu trưởng trường tiểu học Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
Thương binh Nguyễn Trọng Dũng- huân chương kháng chiến chống Mĩ hạng 3, huân chương vì sự nghiệp quôc tế hạng nhất do chính phủ nước Cộng hòa DCND Lào tặng gia đình có công với cách mạng năm 30-31.
Thứ nhất: Không dạy số tiết như quy định của ngành nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp.
Thứ hai: Thiếu trách nhiệm trong quản lí ăn bán trú của học sinh, không có thực đơn hàng ngày, nhà ăn lộn xộn không hợp vệ sinh.
Thứ ba: Quản lí tiền thu từ phụ huynh, học sinh chưa đúng quy định. Tuy có những sai phạm thuộc về bản chất, đạo đức của một nhà giáo, nhất là cố tình, hay vô trách nhiệm trong việc ăn bán trú của các cháu nhỏ, nếu là cố tình thì đây là dấu hiệu bớt xén khẩu phần ăn của các cháu học sinh. Sai phạm đã rõ như “ban ngày” thế nhưng ông Hùng đã có những hành động thiếu văn hóa khi nhà báo bắt tay ra về (lấy tay mình chặt mạnh vào tay nhà báo, không bắt tay), tạo cho nhà báo bức xúc để rồi cài bẫy và tố cáo về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đành rằng trong khi bức xúc, nhà báo Dương Chí Sỹ đã có những lời lẽ không thận trọng khi trao đổi qua điện thoại với cô Thiện – Hiệu phó trường tiểu học Vượng Lộc; ví dụ: “Những thằng quan huyện, quan tỉnh Anh cũng đánh”, chúng ta ai cũng dễ hiểu rằng: Ý nhà báo ám chỉ rằng những cán bộ của huyện, của tĩnh có hành động tiêu cực, tham ô, tham nhũng thì sẽ đánh, đó chỉ là thiểu số còn đại đa số cán bộ của ta là tốt, có tốt thì mới lãnh đạo nhân dân Hà Tĩnh thành công trong sự nghiệp đổi mới trong những năm qua. Nếu như nhà báo Dương Chí Sỹ không phát hiện ra những sai phạm nói trên của ông Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Hùng thì ông Hùng sẽ đi từ sai phạm này đến sai phạm khác…? Nếu nhận thức đầy đủ thì ông Hùng phải thật sự cảm ơn nhà báo đã báo trước cho ông những việc không nên làm; nhưng ở đây lại lập mưu tố cáo nhà báo về đạo đức nghề nghiệp. Thế thì những sai phạm của ông Hùng nêu ở trên công bằng mà nói chúng ta nên xếp vào loại đạo đức gì…?
Vậy tôi thiết tha kính đề nghị ông tổng biên tập báo kinh doanh và pháp luật cần xem xét lại hình thức kỉ luật đối với nhà báo Dương Chí Sỹ. Nếu ông kỉ luật như thế thì rồi đây các nhà báo nói chung và những nhà báo dưới quyền của ông nói riêng có ai dám đấu tranh nói lên sự thật".
Đề nghị có sự công bằng trong xử lý sai phạm
Đó là ý kiến của ông Trần Đình Trường, ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi đọc bài viết đăng trên báo Kinh doanh và Pháp luật, ông Trường viết:
"Khi đọc được những thông tin trên các báo và đi sâu tìm hiểu vụ việc xảy ra vừa qua đối với nhà báo Dương Chí Sỹ, thật sự tôi rất xúc động, thương và kính trọng nhà báo Dương Chí Sỹ. Là bạn đọc luôn theo dõi báo kinh doanh và pháp luật tôi khẳng định, nhà báo Dương Chí Sỹ là người nói đi đôi với làm. Ông đã dùng ngòi bút của mình để ca ngợi sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp đổi mới của nền giáo dục tỉnh Hà Tĩnh. Trong cuộc sống đời thường cũng như những sản phẩm báo chí của ông đã nói lên được phẩm chất tốt đẹp của một nhà báo. Tuy hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn nhưng ông đã vượt qua mọi khó khăn để làm việc…Những thiếu sót xảy ra khi làm việc giữa thầy giáo Nguyễn Tiến Hùng và nhà báo Dương Chí Sỹ, hai bên cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói thân ái... Thông qua các nguồn thông tin, chúng tôi đề nghị ông Tổng biên tập cần có tiếng nói để đưa lại sự công bằng trong việc xử lý sai phạm đối với nhà báo Dương Chí Sỹ, tránh tình trạng “giậu đổ bìm leo”".
"Một hành động cư xử của một người vô văn hóa"
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Tuyết Mai ở xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đọc xong bài báo, bà viết: "Tôi là một độc giả đã từng được đọc rất nhiều bài báo của nhà báo Dương Chí Sỹ. Tôi rất ngưỡng mộ tài năng cũng như tâm hồn và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Nhưng hôm nay, sau khi đọc được những thông tin nhà báo Dương Chí Sỹ bị treo bút 6 tháng và kèm theo những lời vu khống bịa đặt của ông hiệu trưởng Nguyễn Viết Hùng tôi hết sức bất ngờ trước vấn đề đó. Tôi thiết nghĩ một ông hiệu trưởng là một cán bộ công chức nhà nước, đứng đầu một đơn vị giáo dục mà có những hành động “đạp mạnh tay” khi nhà báo đưa tay ra để bắt tay khi ra về thì đó là một hành động cư xử của một con người vô học, vô văn hóa, phép lịch sự tối thiểu của một con người mà cũng không làm được thì huống hồ gì là những sai phạm?( những sai phạm đã được Phòng GD huyện Can Lộc và Sở GD&ĐT xử lí nghiêm minh).
Ngoài những hành động đó thì ông Hùng còn có những lời nói lăng nhục danh dự nhà báo. Trong cuộc sống có khi chúng ta cũng không thể kiềm chế nổi được những bức xúc huống hồ gì nhà báo chứng kiến những hành động và lời nói vô văn hóa của ông hiệu trưởng Hùng. Đó là những điều không thể tránh khỏi. Riêng vấn đề này nhà báo đã nhận khuyết điểm của mình trong khi nóng nảy không kiềm chế được bản thân đã có những lời nói chưa được chuẩn mực nhưng tôi nghĩ đây cũng là lời nói thật của những con người chân chính vì nếu như quan huyện, quan tỉnh mà làm sai thì cũng bị đánh chứ sao nếu mình chuẩn mực thì sợ gì? Từ đó cho thấy nhà báo Dương Chí Sỹ là một con người chính trực thẳng thắn. Trong khi đó, ông Hùng đã có những âm mưu nham hiểm bẩn thỉu của một kẻ tiểu nhân đã lợi dụng lúc nóng nảy của nhà báo để “biến tướng” vu khống sai sự thật về nhà báo.
Nếu như ai đã từng được đọc những bài báo của nhà báo Dương Chí Sỹ thì cũng phải công nhận rằng ở lĩnh vực hay đề tài nào thì nhà báo thật tâm huyết đặc biệt là ca ngợi Đảng; Bác Hồ từ lịch sử trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến những bài viết ca ngợi Đảng Nhà nước trong thời kì đổi mới hôm nay.Ngoài là một nhà báo có đạo đức trong nghề thì nhà báo còn là một người có tài , có tâm hồn chúng ta là những độc giả không thể để cho những phần tử xấu làm lụi mất nhuệ khí của một con người như thế. Vì thế đọc xong bài báo tôi thật buồn, buồn cho những bất công. Là một độc giả cũng như bao độc giả khác tôi tha thiết mong sao tòa soạn báo kinh doanh và pháp luật, các nhà chức năng cấp lãnh đạo cần nhìn nhận lại để lấy lại công bằng cho nhà báo.
Tôi hi vọng rằng trong những ngày gần nhất tôi lại được đọc những bài báo thật tâm huyết của nhà báo như vừa qua".
Đừng để nhà báo bị nhụt chí
Viết bình luận trên trang mạng sau khi đọc xong bài viết; độc giả Tâm Lưu Ly viết: Đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực là mặt trận khó khăn thậm chí nguy hiểm. Nếu đúng như giải trình của NB-PV và sai phạm của ông Hiệu trưởng là có thật thì ông ta phải được xử lý nặng hơn. Thương các em học sinh và những người dân lao động bị họ tham ô bớt xén. Thấy những sự việc đó mà bất bình, NB-PV có thể vi bức xúc mà nói hơi quá thì cũng bình thường, không phải là vấn đề đạo đức . Cần phải đối xử công bằng và công khai sự việc nếu không sự việc sẽ bị bóp méo, đổi trắng thay đen, còn các vị lãnh đạo quan chức khác nếu không có vấn đề gì thì việc gì phải "giật mình" nhỉ . Theo tôi cũng chỉ nên phê bình nhắc nhở nếu thực sự là 1 nhà báo có tâm huyết đấu tranh chống tiêu cực, chứ treo bút là nặng quá...làm nhụt chí khí những người tốt và làm giảm lòng tin của nhân dân với lãnh đạo".
Còn độc giả Dũng Nguyễn thì viết: Sai ntn? "Những quan huyện, quan tỉnh mà làm sai hoặc tham nhũng thì tôi cũng “đánh” sao gọi là vi phạm đạo đức nghề báo? Chỉ là cách dùng từ không chính xác mà thôi!
Tâm Lưu Ly: Ờ, văn nói khác, văn viết khác mà, NB-PV nói "đánh" là kiên quyết chống tiêu cực tới cùng, vậy mà những sai phạm có thật đã được xác nhận bằng văn bản thì ông Hiệu trưởng chỉ bị phê bình nhắc nhở, còn NB thì bị "treo bút" không cho làm việc nữa. Thật thiếu công bằng...
Nam Nguyenhong: Tai nạn nghề nghiệp".
BBĐ