Xi măng Công Thanh ôm nợ gần 17.000 tỷ, kiểm toán từ chối ra ý kiến

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh là 12.769 tỷ đồng, nợ phải trả là 16.767 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 3.998 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với việc tiếp tục thua lỗ và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Năm 2021, công ty thực hiện được 2.492 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so cùng kỳ. Trong khi đó giá vốn chiếm tới 2.248 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp lùi về còn 244 tỷ đồng, giảm 40% so cùng kỳ. 

Đáng nói, chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay vẫn còn là gánh nặng của Xi măng Công Thanh khi chiếm tới 846 tỷ đồng. Cộng thêm lỗ từ hoạt động khác 8,5 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. 

Do đó, cuối cùng Xi măng Công Thanh lỗ ròng 881 tỷ đồng trong năm 2021, cao hơn mức lỗ 771 tỷ của năm 2020, nâng lỗ luỹ kế lên tới 4.898 tỷ đồng khiến công ty âm vốn chủ sở hữu khoảng 3.999 tỷ đồng. Đây là mức lỗ khủng năm thứ 6 liên tiếp của Xi măng Công Thanh.

Xi măng Công Thanh ôm nợ gần 17.000 tỷ, kiểm toán từ chối ra ý kiến - Ảnh 1

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh giảm 288 tỷ xuống mức 12.769 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn chỉ vỏn vẹn hơn 28 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 41% lên 488 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định chiếm 11.465 tỷ đồng. 

Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ ngắn hạn chiếm 2.728 tỷ đồng, gấp 3 lần tài sản ngắn hạn. Còn nợ dài hạn chiếm tới 14.039 tỷ đồng, vượt hơn 2.500 tỷ đồng so tài sản dài hạn. Trong đó, vay nợ tài chính của Xi măng Công Thanh vẫn duy trì ở mức cao lên tới 7.443 tỷ đồng.

Theo biên bản làm việc vào hồi tháng 3/2021, VietinBank yêu cầu Xi măng Công Thanh xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ 3 để thanh toán nghĩa vụ trả nợ còn thiếu của năm 2021.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2021, Xi măng Công Thanh đã đề xuất VietinBank chưa thực hiện việc xử lý tài sản đảm bảo thế chấp của bên thứ 3 khi công ty vẫn đang thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ dựa trên doanh thu và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đã cam kết với VietinBank. 

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2021, Xi măng Công Thanh và VietinBank vẫn đang trong quá trình thảo luận về vấn đề này. 

Với khoản nợ của Xi măng Công Thanh tại SHB cũng đã được bản cho VAMC. Theo hợp đồng vay, Xi măng Công Thanh phải trả cho SHB 369 tỷ đồng vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, Xi măng Công Thanh mới chỉ trả được 69 tỷ đồng cho SHB. Và tháng 11/2021, SHB đã mua lại khoản nợ ngắn hạn này từ VAMC.

Các khoản mà Xi măng Công Thanh nợ của VietinBank và SHB (ảnh: BCTC kiểm toán 2021).

Các khoản mà Xi măng Công Thanh nợ của VietinBank và SHB (ảnh: BCTC kiểm toán 2021).

Theo ý kiến của đơn vị kiểm toán PwC được nhấn tại báo cáo, tính đến ngày 31/12/2021, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện được theo kế hoạch trả khoản vay dài hạn và trái phiếu dài hạn với số tiền khoản 921 tỷ đồng cho Vietinbank và khoản vay ngắn hạn 300 tỷ đồng cho SHB.

Tại ngày 31/12/2021, tiền lãi vay Xi măng Công Thanh phải trả cho Vietinbank và SHB là 267,4 tỷ đồng, tổng số dư các khoản vay ngắn hạn đã quá hạn thanh toán là khoảng 1.221 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2020.

Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, ban Tổng Giám đốc của Xi măng Công Thanh cũng không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoành thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đã đề ra. Điều này dẫn đến việc kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.

Với các yếu tố trên, phía kiểm toán đã nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh. Tuy nhiên phía lãnh đạo công ty cho rằng, công ty vẫn có thể hoạt động liên tục vì có thể tạo ra dòng tiền để trả đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, trả nợ.

Công ty cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để tăng thêm vốn nhằm trả nợ ngân hàng và huy động thêm sự hỗ trợ tài chính.

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 được công bố, Xi măng Công Thanh lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 3.289 tỷ đồng doanh thu, tăng 32% so với thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế dự lỗ 769 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện 2021.

Xi măng Công Thanh được thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, hiện tại vốn chủ sở hữu đang là 900 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là sản xuất xi măng và clinker.

Trong cơ cấu vốn điều lệ 900 tỷ đồng Xi măng Công Thanh, ông Nguyễn Công Lý đang nắm tới 57,2%, Công ty Cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai 10%, Financiere Lafarge SA 5%, còn lại là các cổ đông khác.

Nguyễn Thu Huyền

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục