Điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ phần vốn nhà nước tại VEAM
Sáng 30/6, tại Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), các cổ đông đã đồng ý miễn nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị với ông Trần Ngọc Hà, cựu Tổng giám đốc.
Tại cuộc họp, cổ đông cũng tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị mới. Ứng viên là ông Nguyễn Tiến Vỵ.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ đang là Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, thành viên Hội đồng quản trị phụ trách hoạt động nhân sự và lương thưởng của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn.
Trước đó, ngày 27/6, Bộ Công Thương đã có quyết định điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ phần vốn nhà nước tại Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM).
Theo đó, Ông Bùi Quang Chuyện, Phụ trách bộ phận Đại diện vốn nhà nước đại diện 338.445.360 cổ phần của Nhà nước, chiếm 25,47% vốn điều lệ VEAM; Ông Vũ Quang Tâm đại diện 279.048.000 cổ phần của Nhà nước, chiếm 21% vốn điều lệ VEAM; Ông Ngô Văn Tuyển đại diện 279.048.000 cổ phần của Nhà nước, chiếm 21% vốn điều lệ VEAM; Và ông Lê Hữu Phúc đại diện 279.048.000 cổ phần nhà nước, chiếm 21% vốn điều lệ VEAM.
Như vậy, với quyết định này, chỉ còn 4 người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, thay vì 5 như trước đây (ông Trần Ngọc Hà, cựu Tổng giám đốc VEAM bị miễn nhiệm đại diện vốn nhà nước).
Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM cho biết: Hiện C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế - Bộ Công an) đang tiến hành làm việc về các vấn đề liên quan đến tài chính tại VEAM.
VEAM từng vướng loạt sai phạm
BCTC hợp nhất của VEAM năm 2017.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của VEAM, kỳ báo cáo đầu tiên trong khoảng thời gian ông Trần Ngọc Hà làm Tổng giám đốc (được bổ nhiệm 24-1-2017, bãi nhiệm ngày 29-3-2019), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.585 tỉ đồng, tăng hơn 261 tỉ đồng so với năm 2016 (6.324 tỉ đồng).
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tăng từ 4.512 tỉ đồng năm 2016 lên 5.121 tỉ đồng năm 2017, tăng 600 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 5.085 tỉ đồng, tăng gần 600 tỉ đồng.
BCTC hợp nhất của VEAM năm 2018.
Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận VEAM tăng nhẹ so với năm 2017.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 7.074 tỉ đồng, tăng gần 500 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 7.126 tỉ đồng, tăng 2.000 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 7.047, cũng tăng khoảng 2.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên 90% lợi nhuận của doanh nghiệp này không phải tới từ các lĩnh vực sản xuất chính, mà thu từ góp vốn vào các công ty liên doanh, hơn 6.850 tỷ đồng. Hiện VEAM có hơn 11.000 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, trong đó gần một nửa là cổ tức năm 2018 chờ trả cho cổ đông.
BCTC hợp nhất của VEAM quý 1/ 2019.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019, dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.126 tỉ đồng, giảm 614 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 1.290 tỉ đồng, tăng 244 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.271 tỉ đồng, tăng 231 tỉ đồng.
Theo VEAM, trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với vai trò là Tổng giám đốc, ông Trần Ngọc Hà đã vi phạm một số quy định về quản lý tài chính và điều lệ của VEAM.
Ông Trần Ngọc Hà, Tổng Giám đốc VEAM giai đoạn 2015-2018.
Ông Trần Ngọc Hà đã chi ra gần 79 tỉ đồng mua 1.500 linh kiện từ Công ty Mekong Auto (MKA), trong khi chưa có phương án kinh doanh, tiêu thụ. Đồng thời, ông Hà cũng đã đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện của TCG để lắp 3.000 xe ô tô Hyundai trong năm 2017 khi không có kế hoạch sản xuất, kinh doanh và không có phương án kinh doanh số ô tô này. Điều này dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao (5.588 xe), gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho.
Được biết, việc mua 1.500 bộ linh kiện và việc mua 3.000 bộ linh kiện đều không được phê duyệt của hội đồng quản trị theo quy định. Việc mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao và không thực hiện tham khảo giá và đàm phán theo quy định.
6 tháng đầu năm 2018 VEAM lỗ 8,2 tỉ đồng. Chủ yếu là chi phí tài chính của số tiền 399,6 tỉ đồng văn phòng VEAM mua vật tư linh kiện bán cho Nhà máy ô tô VEAM. Hiện VEAM vẫn chưa thu hồi được số tiền hơn 359 tỉ đồng từ việc kinh doanh này.
Hơn nữa, liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện xe ô tô Hyundai 72, VEAM đã khai sai mã số HS, thuế suất của hàng hoá nhập khẩu dẫn đến bị Hải quan thành phố Hà Nội xử phạt với số tiền hơn 35 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc VEAM đã thực hiện chi tiền cho đề án xúc tiến thương mại trong khi chưa được phê duyệt của Hội đồng quản trị là trái với quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của VEAM.
Với những sai phạm nêu trên, ông Trần Ngọc Hà đã bị bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc tại VEAM qua hình thức bỏ phiếu.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, công ty mẹ VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; doanh thu tài chính trên 7.240 tỷ đồng. Dự báo tình hình năm 2019, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có khả năng tăng trưởng cao do cả yếu tố thị trường và đầu tư nâng cao năng lực đáp ứng. Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp tiếp tục khó khăn khi công ty mẹ chưa có phương án đột phá...
Hà Phương (t/h)