Vừa qua Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã có văn bản trình lên Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) xin dừng triển khai 11 dự án đóng tàu.
Theo đó Vinalines quyết định hủy bỏ 11 dự án đóng tàu lớn bao gồm: tàu 22.500 DWT-B-VSP01 và N-VS của Công ty mẹ; tàu 34.000 DWT-PR06 của Nosco, PR08 của Vinaship, PR09 của VLCm, PR10 của Inlaco Saigon, PR11 của Công ty mẹ; tàu 53.000 DWT- NTA04 của Bisco, NTA05 của Công ty mẹ; tàu 56.200 DWT-NT02 của Vitranschart, NT04 của Nosco.
Được biết các tàu này đều nằm trong chương trình tiếp nhận 20 tàu biển đang đóng dang dở tại Vinashin. Thời gian tới, Vinalines sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các công ty thành viên làm thủ tục dừng các dự án này đồng thời sẽ phối hợp với các bên liên quan xây dựng phương án xử lý tài sản dở dang sao cho giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.
Vinalines hủy bỏ 11 dự án đóng tàu lớn.
Theo lộ trình từ nay tới cuối năm Vinalines sẽ tiến hành cổ phần hóa nốt 5 đơn vị kinh doanh cảng và và tiến hành chào bán các cảng biển này ra công chúng.
Bốn đơn vị gồm cảng Cam Ranh, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ và Năm Căn sẽ được chào bán ra công chúng (IPO) từ nay đến cuối năm, cùng với một đơn vị nữa là cảng Sài Gòn sẽ hoàn thành phương án cổ phần hóa.
Ngoài ra Tập đoàn này cũng đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với 2 doanh nghiệp khá tai tiếng là Vinashinlines và Falcon.
Việc bán các cảng biển ra công chúng, thoái vốn và giải thể một số đơn vị đang trở thành “liều thuốc” chữa trị cho kết quả kinh doanh không mấy khá khẩm của đơn vị này.
Mới đây ban lãnh đạo Vinalines đã tiết lộ doanh thu nửa đầu năm 2014 của tập đoàn đạt gần 9.800 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch và 99% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên tập đoàn này vẫn đang trong tình trạng thua lỗ lớn.
Thời gian tới Tổng công ty sẽ chú trọng nhiều hơn tới vấn đề tái cơ cấu nợ, quản trị và thị trường. Đặc biệt vừa qua Vinalines đã được một số chủ nợ lớn chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp. Đây là một thành công khá lớn của Tập đoàn này.
Hoàng Anh (TH)