Vinaconex kinh doanh ra sao trước khi vào “vòng trong” gói thầu 5.10?

Vinaconex là thành viên thuộc Liên danh Vietur - đơn vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 Dự án Sân bay Long Thành trị giá hơn 35.200 tỷ đồng.

Ngày 1/8 vừa qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) đã công bố liên danh Vietur là đơn vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 Dự án Sân bay Long Thành trị giá hơn 35.200 tỷ đồng.

Liên danh Vietur bao gồm 10 nhà thầu thành viên, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC (ICTAS) - nhà thầu xây dựng Top3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm thi công nhiều sân bay quốc tế lớn.

Ngoài ICTAS, các nhà thầu thành viên còn lại trong Liên danh Vietur gồm: Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG); CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC); Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1); Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN); Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C; Công ty Cổ phần Kết cấu Thép ATAD; và Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện.

Trong số các doanh nghiệp thuộc Liên danh Vietur, Vinaconex được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ việc trúng thầu gói thầu 5.10 của Sân bay quốc tế Long Thành.

Dự kiến Vinaconex thu về tối đa 525 tỷ đồng tiền lãi

Trước đó Vinaconex đã tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Nhà ga T2 Nội Bài, Sân bay Phú Bài, Sân bay Cam Ranh. Hiện Vinaconex cũng đang tham gia liên danh đấu thầu gói thầu xây lắp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trị giá 9.000 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán VietCap, ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho 1 nhà thầu tham gia gói 5.10 sẽ là khoảng 525 tỷ đồng. Theo đó, thời gian xây dựng ước tính cho Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng, vì vậy tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm đối với các đơn vị trúng thầu.

Như vậy, trung bình mỗi năm dự kiến Vinaconex có thể thu về 175 tỷ đồng, mức lợi nhuận này đóng góp đáng kể so với mức lợi nhuận trung bình hàng năm của doanh nghiệp trong giai đoạn 2019 – 2022 là 866 tỷ đồng.

 Phối cảnh Sân bay Long Thành.
 Phối cảnh Sân bay Long Thành.

Bên cạnh việc tham gia xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, hoạt động kinh doanh của Vinaconex còn được hưởng lợi mạnh mẽ từ các dự án đầu tư công đã và đang được triển khai như gói thầu cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 bao gồm Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2023 vừa công bố, Vinaconex ghi nhận 4.566,8 tỷ đồng doanh thu, con số này gấp đôi so với kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu là hoạt động xây lắp với hơn 3.922 tỷ đồng.

Tuy nhiên giá vốn hàng bán từ hoạt động xây lắp cũng tăng gần gấp đôi lên gần 3.481 tỷ đồng, cộng với giá vốn kinh doanh bất động sản tăng gấp 4,6 lần lên 1.178 tỷ đồng khiến giá vốn hàng bán của doanh nghiệp tăng vọt từ 1.861 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 4.136 tỷ đồng ở kỳ này.

Chi phí tài chính tăng 24% lên hơn 245 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 28% về còn 119 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 12 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết, trong khi cùng kỳ có lãi.

Kết quả, Vinaconex báo lãi sau thuế giảm 24% so với cùng kỳ xuống 130,3 tỷ đồng.

Vinaconex kinh doanh ra sao trước khi vào “vòng trong” gói thầu 5.10? - Ảnh 1

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 6.532 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Tuy nhiên doanh thu hoạt động tài chính giảm 78% về còn 202 tỷ đồng cùng với việc các chi phí khác cũng tăng cao đã “đè bẹp” lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khấu trừ đi các chi phí, Vinaconex báo lãi lao dốc từ 719,6 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 139 tỷ đồng ở kỳ này. So với kế hoạch đem về 860 tỷ đồng lợi nhuận, sau 6 tháng đầu năm doanh nghiệp mới hoàn thành 16% chỉ tiêu.

Tính đến ngày 30/6/2023, quy mô tài sản của Vinaconex ở mức 31.409 tỷ đồng, thu hẹp nhẹ so với đầu năm. Chiếm tỉ trọng lớn nhất cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn với 8.612 tỷ đồng, trong đó khoản trả trước cho người bán 4.337 tỷ đồng, phải thu của khách hàng 2.584 tỷ đồng và 1.865 tỷ đồng.

Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Vinaconex, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho biết, doanh nghiệp này đang lỗ tới 1.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.000 tỷ đồng, tổng nợ cũng lên tới 6.000 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm khoản nợ tiềm tàng khoảng 1.600 tỷ đồng.

Quay trở lại với Vinaconex, công ty vay nợ ở mức 13.349 tỷ đồng đến cuối quý II, giảm nhẹ so với hồi đầu năm, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng hơn 8.783 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn tăng 35% lên 7.291 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm 24% xuống 6.058 tỷ đồng.

Trần Thị Tú Anh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục