Vietnam Airlines gánh lỗ luỹ kế hơn 22.000 tỷ đồng

Mặc dù tạm thời thoát án hủy niêm yết nhờ vốn chủ sở hữu ghi nhận số dương nhưng số phận Vietnam Airlines vẫn đang trông chờ vào quyết định của BCTC kiếm toán 2021.

Tổng công ty hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, MCK: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với khoản lỗ lũy kế ở mức 22.000 tỷ đồng.

Theo đó, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu của quý IV/2021 đạt gần 9.213 tỷ đồng, có dấu hiệu hồi phục so với cùng kỳ năm trước khi tăng trưởng nhẹ 11,3%, cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ vận tải hàng không với 6.147 tỷ đồng.

Trong khi đó giá vốn hàng bán ghi nhận đi ngang so với cùng kỳ, đạt mức 10.287 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines lỗ gộp 1.108 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ghi nhận hơn 749 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 156 tỷ đồng năm trước, chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp khác.

Ngoại trừ khoản chi phí bán hàng được tiết giảm xuống còn 249 tỷ đồng (giảm 44,6%) thì các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng lần lượt 43,11% và 12,5% lên mức 312 tỷ đồng và gần 493 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế 1.184 tỷ đồng trong quý cuối năm 2021. Đây đã là quý thua lỗ thứ 8 liên tiếp của Vietnam Airlines, cũng là 8 quý ngành hàng không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Lũy kế năm 2021, Vietnam Airlines đạt doanh thu 27.911 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020 và xuống ngang bằng mức doanh thu của những năm 2007; lỗ sau thuế lên đến 13.337 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020.

Vietnam Airlines gánh lỗ luỹ kế hơn 22.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm gần 2.000 tỷ (cùng kỳ dương 3.352 tỷ đồng) nhưng lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính lại bật lên đến gần 8.746 tỷ đồng (cùng kỳ 1.798 tỷ đồng).

Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines tổ chức vào tháng 7/2021 đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.364 tỷ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ. Như vậy kết thúc năm tài chính 2021, doanh nghiệp đã thực hiện được gần 75% mục tiêu doanh thu đề ra, và giảm số lỗ xuống thấp hơn mức dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.

Với kết quả này, tính đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã chạm ngưỡng khoản lỗ lũy kế gần 22.000 tỷ đồng (tương ứng gần 1 tỷ USD), kéo vốn chủ sở hữu giảm xuống chỉ còn hơn 500 tỷ đồng. Nếu như không có khoản huy động thêm 8.000 tỷ đồng từ cổ đông được tiến hành trong quý 3/2021, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia này có thể đã ghi nhận con số âm.

Riêng Tổng Công ty Quản lý và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã “bơm” cho hãng hàng không này gần 6.900 tỷ đồng trong đợt phát hành tháng 9/2021. Số tiền còn lại do các cổ đông nhỏ hơn đóng góp. Do đó, Vietnam Airlines đã thoát án hủy niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngay phút chót.

Tuy nhiên, căn cứ để HOSE quyết định hủy niêm yết cổ phiếu là báo cáo tài chính cả năm tài chính đã được kiểm toán. Sau khi tổ chức kiểm toán làm việc, số liệu có thể khác với báo cáo mà Vietnam Airlines tự lập. Vì vậy, vận mệnh của hãng hàng không quốc gia này vẫn còn đang bỏ ngỏ để trông chờ vào kết quả thực sự sau kiểm toán.

Theo quy định, các doanh nghiệp phải nộp báo cáo tài chính hàng quý trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc quý, tương ứng với báo cáo quý IV/2021 phải được nộp chậm nhất vào ngày 30/1/2022.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hoãn nộp báo cáo tài chính do dịch Covid-19 gây khó khăn trong việc xử lý chứng từ, tổng hợp số liệu. Thực tế đến tận đầu tháng 4/2022, Vietnam Airlines mới công bố báo cáo quý IV/2021. Và mới đây hãng này cũng tiếp tục gửi thông báo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE để xin gia hạn thời gian nộp BCTC năm 2021 kiểm toán, chưa hẹn ngày nộp cụ thể.

Vietnam Airlines gánh lỗ luỹ kế hơn 22.000 tỷ đồng - Ảnh 2

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines là 63.105 tỷ đồng, tăng nhẹ so với ngày đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu giảm từ trên 6.100 tỷ đồng vào đầu năm xuống còn khoảng 500 tỷ. Trước khi tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đã có lúc âm tới 2.878 tỷ đồng.

Ngược lại, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 6.000 tỷ so với đầu năm, hiện ở mức 62.600 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay nợ ghi nhận 34.800 tỷ đồng gồm nợ ngắn hạn 14.374 tỷ đồng và nợ dài hạn 20.424 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu HVN đang bị kiểm soát và giao dịch trong vùng giá 25.050 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 1/4).

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục