VietinBank: Tăng trưởng dư nợ đi kèm với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng

Theo số liệu cung cấp tại Hội nghị cập nhật KQKD quý 2/2024 và số liệu trên BCTC bán niên, VietinBank tiếp tục khẳng định vị thế ngân hàng dẫn đầu với tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thực chất, bền vững ngay từ đầu năm 2024.

Trong sáu tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay của VietinBank đạt mức ấn tượng 1,57 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6,7% so với cuối năm 2023, cao hơn mức trung bình 6% của ngành. Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng không chỉ đáng chú ý về quy mô mà còn về chất lượng, đặc trưng bởi cách tiếp cận quản lý rủi ro thận trọng và tập trung chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên.

VietinBank: Tăng trưởng dư nợ đi kèm với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng - Ảnh 1

Động lực chiến lược của tăng trưởng tín dụng

Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của VietinBank là kết quả của một loạt các sáng kiến chiến lược được phối hợp tốt:

Về giao kế hoạch và định hướng kinh doanh: VietinBank thực hiện giao kế hoạch năm đến các Khối/chi nhánh/công ty con từ sớm (tháng 11 năm trước). Theo đó định hướng kinh doanh, kế hoạch hành động cụ thể được xây dựng và triển khai sớm, xuyên suốt từ Trụ sở chính đến chi nhánh, các đơn vị có sự chuẩn bị, chủ động, quyết liệt đẩy mạnh hoạt động để đảm bảo tăng trưởng liên tục ngay từ đầu năm; thường xuyên họp kinh doanh các khu vực để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ chi nhánh.

Về chính sách cho vay chung: VietinBank định hướng ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, NHNN, các ngành SXKD quan trọng, chủ lực trong nước (điện, viễn thông, thiết bị điện…), cấp tín dụng xanh thân thiện môi trường. Đây được coi là các lĩnh vực quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam. Bằng cách tập trung vào các lĩnh vực này, VietinBank không chỉ đảm bảo sức khỏe tài chính của chính mình mà còn đóng góp đáng kể vào bức tranh kinh tế tổng thể của quốc gia. Đồng thời, VietinBank tập trung vào xây dựng chính sách, gói sản phẩm cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng, tăng cường bán chéo sản phẩm; trong đó kết hợp giữa sản phẩm cho vay và các dịch vụ tài trợ thương mại, thanh toán, giải pháp quản lý tài chính… giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực.

Về thủ tục vay vốn, ứng dụng số hóa và dữ liệu: VietinBank thực hiện tinh gọn quy trình, mẫu biểu, chuẩn hóa danh mục hồ sơ cho vay nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng. Cùng với đó, VietinBank đã thực hiện tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay như: ứng dụng Big Data, trí tuệ nhân tạo trong phân tích và nghiên cứu nhu cầu khách hàng, từ đó có cơ sở thiết kế giải pháp cho vay đối với từng phân khúc; ứng dụng công nghệ vào quá trình phê duyệt cấp tín dụng để tiết giảm chi phí (nhân sự, giấy tờ, thời gian đi lại) của khách hàng và qua đó hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn nhanh hơn. Việc chuyển đổi số không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận của VietinBank, cho phép ngân hàng phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn, bao gồm cả những khách hàng ở khu vực xa xôi.

Về các chương trình tín dụng cho khách hàng, chương trình động lực cho chi nhánh/cán bộ: VietinBank rất chú trọng vào việc thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của khách hàng. Ngân hàng đã phát triển một loạt các sản phẩm tín dụng sáng tạo phù hợp với từng phân khúc khách hàng cụ thể. Cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm này đã thúc đẩy lòng trung thành và sự tin tưởng, dẫn đến nhu cầu tín dụng tăng lên. Cụ thể, VietinBank triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn phù hợp với từng nhóm khách hàng (theo ngành nghề, địa bàn, đảm bảo tổng hòa lợi ích mang lại cho VietinBank và khách hàng...). Ngoài ra, VietinBank cũng có nhiều chương trình thi đua tăng trưởng dư nợ/phát triển khách hàng mới để tạo động lực cho chi nhánh và các các bộ bán hàng.

VietinBank: Tăng trưởng dư nợ đi kèm với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng - Ảnh 2

Quản lý rủi ro: Nền tảng của tăng trưởng bền vững

Tăng trưởng tín dụng ấn tượng của VietinBank được củng cố bởi một hệ thống quản lý rủi ro mạnh mẽ. Ngân hàng đã áp dụng cách tiếp cận chủ động để xác định, đánh giá và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn. cụ thể bao gồm:

Tăng cường sàng lọc danh mục, lựa chọn khách hàng để tăng trưởng dư nợ: VietinBank xây dựng định hướng tín dụng từ đầu năm để xác định các ngành, lĩnh vực, đối tượng khách hàng hiệu quả, thực hiện các quy trình thẩm định tín dụng nghiêm ngặt để đảm bảo rằng các khoản vay chỉ được cấp cho những người đi vay đủ điều kiện tín dụng với kế hoạch kinh doanh khả thi. Điều này bao gồm cả việc đánh giá sức khỏe tài chính, triển vọng ngành và năng lực quản lý của người vay vốn.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ, chủ động nhận diện các ngành/lĩnh vực/khách hàng gặp khó khăn/tiềm ẩn rủi ro, để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ phù hợp thiết thực như cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi lãi suất… giúp khách hàng ổn định hoạt động, sớm vượt qua khó khăn;

Công tác quản trị rủi ro được triển khai đồng bộ theo mô hình 3 tuyến bảo vệ, chú trọng hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình cấp, quản lý tín dụng. Cải tiến, phát triển mạnh mẽ các công cụ, hệ thống hỗ trợ quản lý rủi ro tín dung như hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, kịp thời nhận diện sớm rủi ro khách hàng để triển khai các biện pháp phân luồng thu hồi xử lý nợ để giảm thiểu tổn thất cho Ngân hàng.

VietinBank cũng định hướng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu nợ xấu do NHNN và ĐHĐCĐ giao.

Thách thức và Cơ hội

Mặc dù tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong nửa đầu năm 2024 rất ấn tượng nhưng ngân hàng cũng phải đối mặt với một số thách thức và cơ hội:

Lãi suất diễn biến khó lường, chịu áp lực tăng do nhu cầu tín dụng thị trường và thanh khoản thị trường bớt dồi dào: Nhu cầu tín dụng đã ấm dần từ cuối quý II/2024. Mức độ thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tín dụng tăng trở lại có thể gây áp lực lên lãi suất huy động. Thực tế, các ngân hàng cũng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất trong Quý II/2024. Lạm phát dự báo nằm trong mục tiêu Chính phủ đề ra; áp lực tỉ giá có thể hạ nhiệt dần khi chênh lệch lãi suất VND và USD được thu hẹp và NHNN có những động thái bình ổn thị trường ngoại hối, từ đó cũng làm giảm áp lực phải tăng lãi suất. Ngoài ra việc FED có thể giảm lãi suất từ tháng 9/2024 cũng có thể tác động đến diễn biến mặt bằng lãi suất của Việt Nam.

Bất ổn kinh tế toàn cầu: Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, với những lo ngại về căng thẳng địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Những bất ổn này có khả năng tác động đến các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam và làm giảm nhu cầu tín dụng cũng như có thể tác động tiêu cực tới khả năng trả nợ ngân hàng của các doanh nghiệp.

Áp lực từ chuyển đổi số: Tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng mang đến cả thách thức và cơ hội cho VietinBank. Ngân hàng phải liên tục đổi mới để đi trước xu hướng và đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của khách hàng.

Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2024 của VietinBank là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, quản lý rủi ro thận trọng và cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm của Ngân hàng. Sự tập trung của VietinBank vào các lĩnh vực ưu tiên, tuân thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chuyển đổi kỹ thuật số đều góp phần vào hiệu quả ấn tượng của Ngân hàng. Mặc dù vẫn còn đó những thách thức, song với vị thế vốn có của mình, VietinBank sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

PV

Ngày Nay
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục