Việt Nam xuất siêu 1.6 tỷ USD, giá đô la vẫn tăng?

Việc giá USD tăng kịch trần trong thời gian qua là một hiện tượng khá bất ngờ vì theo lý thuyết thì không có yếu tố nào thuộc về quy luật thị trường đang gây tác động đến tỷ giá. Yếu tố chính được mọi người nhìn nhận ở đây vẫn chỉ là yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.

Giá USD 5/6 tại các ngân hàng phổ biến ở 21.180 - 21.240 đồng/USD riêng Vietinbank, Techcombank để giá bán 21.246 đồng mỗi đôla. Đây là mức giá đã kịch trần so với quy định của nhà nước. Diễn biến tăng giá này đã diễn ra từ giữa tuần tháng 5 và gia tăng độ nóng trong thời gian gần đây.

Dưới sức nóng này nhiều người  đã lo lắng về sự thiếu hụt của nguồn cung ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hoàng Ngân cho rằng, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý nhiều hơn là nhu cầu thị trường.

Các yếu tố có thể gây biến động tỷ giá bao gồm:

Tỷ lệ lạm phát hay sức mua

Ở đây muốn nói đến mối liên hệ giữa tỷ giá hối đoái và sức mua của mỗi đồng tiền trong mỗi cặp tiền tệ. Nếu so sánh 2 nước thì nước nào có mức độ lạm phát lớn hơn thì đồng tiền nước đó có sức mua thấp hơn, nước nào có mức độ lạm phát cao hơn mức độ lạm phát trung bình của thế giới hoặc của khu vực thì đồng tiền nước đó mất giá liên tục.

Ngoại hối cũng là một loại hàng hóa đặc biệt cho nên nó cũng chịu tác động từ các nhân tố của thị trường hàng hóa: mức độ lạm phát, và giảm phát, cung và cầu hàng hóa trên thị trường, sự lũng đoạn về giá cả …

Theo HSBC: tỷ lệ lạm phát Việt Nam năm 2014 đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua với tỷ lệ kỳ vọng chỉ ở mức 5,6% so với năm ngoái.

Trong khi đó số liệu công bố ngày 30/5 thì chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE - thước đo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) -) trong tháng 4 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát theo PCE lõi - không tính giá thực phẩm và năng lượng - tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Nếu so sánh có thể thấy mức độ lạm phát của nước ta vẫn cao hơn nước Mỹ khoảng 4%. Nhưng đây không phải lý do tác động đến tỷ giá vì trước đó tỷ giá không biến động nhiều ngay cả trước khi lạm phát Mỹ chưa tăng. Mặt khác thì hiện nay nguồn cung ngoại tệ đang rất phong phú cho nên những biến động cung cầu cục bộ sẽ chỉ ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian ngắn - theo ý kiến của ông Trần Hoàng Ngân chuyên gia tài chính ngân hàng

Lý giải về việc tăng tỷ giá lần này, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng phụ trách lĩnh vực nguồn vốn và ngoại tệ cho rằng đây là diễn biến phản ánh cung cầu của thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp tăng mua USD để đáp ứng nhu cầu thanh toán và trả nợ các khoản vay USD. Nhưng doanh nghiệp lại hạn chế bán USD do lo ngại căng thẳng trên Biển Đông có thể tác động xấu đến kinh tế Việt Nam. Điều này dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng lên.

Cán cân thanh toán quốc tế

Tình trạng của cán cân thanh toán quốc tế sẽ tác động trực tiếp đến cung và cầu ngoại hối, do đó nó tác động trực tiếp và rất nhạy bén đến tỷ giá hối đoái. Về nguyên tắc, nếu cán cân thanh toán quốc tế dư thừa có thể dẫn đến khả năng cung ngoại hối lớn hơn cầu ngoại hối, từ đó làm cho tỷ giá hối đoái có xu hướng giảm. Ngược lại nếu cán cân thanh toán quốc tế thiếu hụt có thể dẫn đến cầu ngoại hối lớn hơn cung ngoại hối, từ đó tỷ giá hối đoái có xu hướng tăng. Trong cán cân thanh toán quốc tế, cán cân thương mại có tác động cực kỳ quan trọng đến sự biến động của tỷ giá hối đoái mà các nhà kinh tế đều công nhận. Đây là nhân tố cơ bản đứng sau lưng tỷ giá hối đoái.

Trong 5 tháng đầu năm nước ta xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng cho nên sẽ không có lý do gì để tỷ giá sẽ tăng kéo dài cả mà theo nguyên lý trên thì tỷ giá USD phải có xu hướng giảm.

Mức chênh lệch lãi suất giữa các nước

Trong một môi trường kinh doanh của các nước là tương đương nhau, nước nào có lãi suất ngắn hạn cao hơn thì vốn ngắn hạn sẽ chảy vào nhằm thu phần chênh lệch do tiền lãi tạo ra, do dó sẽ làm cho cung ngoại hối tăng lên, cầu ngoại hối giảm đi, tỷ giá hối đoái sẽ giảm xuống.

Chẳng hạn, khi Việt Nam nâng cao lãi suất tiền gửi hơn các nước trong khu vực thì lượng ngoại tệ sẽ chạy vào Việt Nam để mua các tín phiếu ngắn hạn, do đó sẽ làm cho cung ngoại tệ và đồng thời cũng làm giảm nhu cầu ngoại tệ xuống. Tỷ giá hối đoái do đó cũng giảm xuống. Tuy nhiên điều này có thực sự xảy ra hay không còn phụ thuộc vào điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam có đảm bảo an to àn cho các nhà đầu tư hay không, bởi vì các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được từ đầu tư mà còn rất quan tâm đến yếu tố an toàn vốn đầu tư.

Các yếu tố khác

Các yếu tố khác ở đây bao gồm: yếu tố tâm lý, vai trò quản lý của Ngân hàng trung ương, những yếu tố chính trị và điều kiện kinh tế. Đây đang được đánh giá là các yếu tố chính đang tác động trực tiếp đến tỷ giá hiện nay.

Vấn đề Biển Đông đang tạo nên tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp và người dân gây ra tình trạng tích lũy USD để thực hiện các giao dịch thanh toán trước lo ngại VND có thể mất giá.

Còn chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại bày tỏ quan điểm về việc ngân hàng đã có những trấn an chưa đủ mạnh để can thiệp vào ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm

Theo ông Hiếu, sự biến động tỷ giá, giá vàng vẫn do yếu tố tâm lý của người dân trước tình hình Biển Đông bất ổn, kinh tế đang gặp khó khăn và không loại trừ yếu tố đầu cơ, trục lợi.

Tuy nhiên hầu hết các chuyên gia đều nhận định việc tỷ giá USD tăng là tình hình không đáng lo ngại và chỉ mang tính cục bộ và hoàn toàn Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát được. Thậm chí có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước chưa phải can thiệp vì thị trường đang có xu hướng dư cung ngoại tệ.

Quả thật trong sáng 06/06 giá USD đã hạ nhiệt và giảm xuống mặc dù vẫn đang ở mức cao dưới 21.300vnd.

Chu Quỳnh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục