Báo cáo “Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á quý III” do Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp với Oxford Economics công bố mới đây cho thấy, Việt Nam dự kiến sẽ có sự vượt trội về tăng trưởng GDP ở khu vực ASEAN.
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ vượt trội về tăng trưởng GDP trong ASEAN
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị cản trở đôi chút do những hạn chế về nguồn thu từ dầu mỏ và tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, song, sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh.
Lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam và việc ký kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do mới là những tác động quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2016 và tăng lên 7% vào năm 2017.
Ngoài ra, theo báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Sản xuất công nghiệp Toàn cầu 2016 của Deloitte, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia hiện đang nằm trong số 20 nước có nền sản xuất công nghiệp cạnh tranh nhất trên thế giới, và sẽ còn tiến xa hơn trong thời gian tới. Những thành công này là tiền đề thúc đẩy giao thương cũng như tạo việc làm, tăng thu hút đầu tư và chi tiêu tiêu dùng.
Thêm vào đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố báo cáo đánh giá về triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) trong hai năm 2016 và 2017 trong đó đánh giá tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ vượt trội so với các nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á trong 2 năm tới khi hoạt động sản xuất và thu hút đầu tư vẫn tốt.
Moody’s đánh giá trong 2 năm tới Việt Nam (với mức xếp hạng B1 và triển vọng ổn định) vẫn sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nổi trội ở khu vực. Kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất khỏe mạnh và dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào.
Dù có những lo ngại về tốc độ tăng trưởng tín dụng trở lại của Việt Nam trong khoảng một năm qua, song kinh tế Việt Nam trong ASEAN vẫn được đánh giá là ổn định trong mấy tháng tới.
Mai Anh (TH theo Báo Hải quan, DNVN)